Thu hồi đất: Phải làm rõ khái niệm “thật cần thiết”

Thứ tư, ngày 19/06/2013 09:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này nhưng trong phiên Quốc hội thảo luận ngày 17.6, vẫn đang còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, đặc biệt xung quanh nội dung thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Thu hồi đất: Dân thường chịu thiệt

Nói về quy định việc thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Đó là vấn đề được nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm và có quá nhiều sự tranh luận mà theo tôi chưa có hồi kết. Ông Cương nhấn mạnh cần phải có sự minh bạch, công khai trong vấn đề này, nếu không sẽ gây bất ổn, gặp sự phản đối của người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị quốc gia. “Thực tế nếu ai rơi vào hoàn cảnh thu hồi đất mới thấm thía và xót xa như thế nào” - ông bày tỏ.

img
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trong luật những dự án cần thiết phải thu hồi đất.

Đại biểu Cương phân tích: “Điều 58 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có đưa cụm từ “thật cần thiết” để tránh việc thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không thực sự làm rõ quy định đó. Trên thực tế, khi cơ quan có thẩm quyền muốn thu hồi đất thì đương nhiên là họ phải khẳng định là thật cần thiết. Còn người dân có đất bị thu hồi thì không cần thiết, hay cần thiết, hay thật cần thiết thì cũng không biết đằng nào. Có ai hỏi ý kiến của họ đâu? Thu hồi là thu hồi”. Vì vậy theo đại biểu này “cần cụ thể hoá hơn nữa những trường hợp thu hồi ở trong luật”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) góp ý: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tránh những quy định có thể bị giải thích theo chiều hướng khác hoặc mở rộng phạm vi giải thích, tiếp tục làm nảy sinh xung đột xã hội trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, ông Lợi dẫn chứng: Việc thu hồi đất, chuyển nhượng sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội do dự thảo không thể liệt kê hết các công trình dự án phát sinh trong quá trình thực hiện nên đây chính là quy định chưa rõ ràng, có thể dẫn tới sự tuỳ tiện trong việc quyết định thu hồi đất.

Do đó, đại biểu Lợi đề xuất: Cần quy định rõ ngay trong luật những dự án cần thiết phải thu hồi đất.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì cho rằng: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đang tồn tại nhiều bất cập làm phát sinh khiếu nại tố cáo, bị lạm dụng, lợi dụng, chưa đảm bảo công bằng xã hội, lợi ích các bên chưa hài hoà, dân luôn chịu thiệt. Ví dụ mà đại biểu này đưa ra là thu hồi đất của dân nuôi trồng thuỷ sản hay làm nông nghiệp, đấu thầu cho doanh nghiệp thuê lại cũng cùng mục đích là làm thuỷ sản, làm nông nghiệp, nhưng Nhà nước sẽ thu được thuế đất hạn điền, thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn... “Do đó, trong quy hoạch sử dụng đất, chính quyền sẽ ưu tiên vấn đề đất thu hồi để có nguồn thu cho địa phương mình như vậy là người dân sẽ lĩnh đủ những hệ luỵ của nó” - ông Phong khẳng định.

Thu hồi theo mục đích sử dụng hay thẩm quyền đầu tư?

Không đồng tình với việc quy định trong dự thảo luật rằng “Nhà nước được phép thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội”, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng: Nếu để quy định sẽ này rất dễ bị lợi dụng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua. Đại biểu Thành cũng đề xuất, để tránh được tiêu cực, làm thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người sử dụng đất thì “cần phân loại cụ thể quy mô của từng loại dự án nhằm quy định rõ loại dự án nào thì Nhà nước phải tiến hành thu hồi, loại dự án nào thì do các tổ chức sử dụng đất phải thỏa thuận với người sử dụng đất để chuyển quyền sử dụng đất thực hiện dự án”.

Đảm bảo “thuận mua, vừa bán”

Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội phân tích: Khi Nhà nước có nhu cầu đất vì lợi ích chung như an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng – thì phải thu hồi. Đây không phải chế tài, mà là cá nhân hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung của quốc gia. Những trường hợp khác, Nhà nước phải coi đất đai là tài sản của người dân. Để có quyền này, người dân phải bỏ tiền ra mua, thuê đất, đóng thuế sử dụng đất, nên Nhà nước không thể tước đoạt bằng biện pháp hành chính. Trường hợp này, phải dùng quan hệ kinh tế - dân sự, trên cơ sở thuận mua vừa bán, theo giá thị trường.

Đồng tình với đại biểu Thành, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng cho rằng: Có phân định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác nhau, nhưng chưa rõ ràng, cụ thể, chưa xác định rõ tiêu chí nhất quán. “Nếu như thế thì tôi thấy sẽ dễ dẫn đến tùy tiện trong thực hiện” - ông Vở lưu ý. Bởi lẽ trong dự án luật, nội dung thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội lại quy định “vừa xác định thu hồi đất theo mục đích sử dụng và vừa theo thẩm quyền đầu tư”.

“Tôi cho rằng dự án do quy hoạch, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hay do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đều có sự đan xen giữa lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà đầu tư. Do đó, tôi đề nghị dự án luật nên xem xét sửa đổi phù hợp và quy định rõ cơ chế thu hồi đất theo hướng: Sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng mục đích chung phi lợi nhuận; còn lại sử dụng đất vào mục đích kinh doanh đều được xem là sử dụng đất vào mục đích kinh tế, thương mại”- đại biểu Trương Văn Vở đề xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem