Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội bật mí lý do “bình thường hóa sự nỗ lực”

Thứ sáu, ngày 03/11/2023 16:19 PM (GMT+7)
Trong danh sách Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023, cái tên Phạm Ngọc Sơn, ngành Tài chính - Ngân hàng - Viện Kinh tế và Quản lý được giới thiệu với rất nhiều “gạch đầu dòng” thành tích ấn tượng. Chàng trai Hải Phòng có điểm học tập toàn khoá: 3.87/4 - Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc.
Bình luận 0

Tháng 10/2023, Phạm Ngọc Sơn tham gia phỏng vấn vị trí Giảng viên nguồn Viện Kinh tế và Quản lý (Đề án đào tạo nguồn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023 - 2030). Sơn dự định sau đó sẽ học cao học để nâng cao chuyên môn, cố gắng để du học ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Thụy Sỹ và Canada.

Tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách khoa Hà Nội đã giúp ích rất nhiều cho kế hoạch tương lai của Phạm Ngọc Sơn.

Trò chuyện cùng Trang Thông tin điện tử đại học, Phạm Ngọc Sơn nhắc nhiều đến các thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội có ảnh hưởng đến đường hướng học tập, phong cách sống của Sơn; kể về niềm tự hào khi được học Tài chính ngân hàng “màu sắc” Bách khoa, chia sẻ các bí quyết học tập, cách thức làm thế nào để đạt điểm A+ khóa luận tốt nghiệp…

Sơn thấy các thành tích của mình cũng… nhàng nhàng, như Sơn chia sẻ bản thân có thói quen “bình thường hóa sự nỗ lực”!

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội bật mí lý do “bình thường hóa sự nỗ lực” - Ảnh 1.

Phạm Ngọc Sơn: "Học ở ĐHBK Hà Nội, tôi gặp đúng môi trường, đúng thầy/cô, để tôi có được thành quả ngày hôm nay!"

Ghi dấu những lần đầu tiên ở Bách khoa Hà Nội

- Đã đến ga cuối của con tàu Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn lại, Sơn còn nhớ lý do tại sao 4 năm trước chọn học ngành Tài chính ngân hàng, Bách khoa Hà Nội không?

* Năm lớp 12, tôi tìm hiểu thông tin về Bách khoa Hà Nội và được biết Bách khoa có môi trường học tập nghiêm túc và rất nhiều cơ hội học bổng du học hoặc trao đổi với các trường nước ngoài. Ngoài ra, Nhà trường cũng có nhiều hoạt động giúp sinh viên nâng cao chuyên môn và kỹ năng bên cạnh việc học tập trên giảng đường.

Do đã biết và tìm hiểu lĩnh vực ngân hàng, tôi chọn học ngành Tài chính - Ngân hàng ở Bách khoa – ngành học có chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế.

Thời điểm đó, tôi nhút nhát, ngại giao tiếp… kiểu người hướng nội! Nhưng nói thật, tôi muốn thoát ra khỏi cái vỏ ngại ngùng đó, muốn vượt ra khỏi vòng an toàn của bản thân. Có lẽ đó là lý do lớn nhất để tôi đặt niềm tin vào Bách khoa Hà Nội! Thật may mắn khi tôi gặp đúng môi trường, đúng thầy/cô, để tôi có được thành quả ngày hôm nay!

- Nếu bạn bè khối ngành Kinh tế hỏi Sơn học Tài chính - Ngân hàng Bách khoa có gì ưu việt, Sơn sẽ tự hào nói về điều gì?

* Theo tôi, điểm khác biệt của ngành Tài chính - Ngân hàng Bách khoa Hà Nội là được đào tạo trong hệ sinh thái Bách khoa - đào tạo về tư duy định lượng bên cạnh kiến thức chuyên môn.

Điều tôi tự hào nhất chính là chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, các thầy/cô chuyên môn cao, tâm huyết với sinh viên; môi trường học tập đậm “chất” Bách khoa, chúng tôi có được rất nhiều trải nghiệm, tích lũy nhiều kiến thức quý giá trong thời sinh viên, trải nghiệm kiến thức chuyên môn trong thực tế.

Bách khoa Hà Nội ghi dấu ấn nhiều lần đầu tiên của tôi: Lần đầu tiên được tham gia vào ban chủ nhiệm của câu lạc bộ chuyên môn về Tài chính Kế toán (SAFC); tích lũy nhiều kỹ năng trong giao tiếp và ứng xử, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian.

Lần đầu tiên tôi tham gia NCKH. Tính lại, 1/3 quãng thời gian đại học tôi dành cho việc NCKH. Nhờ đó, tôi học được tác phong, kỹ năng nghiên cứu để hoàn thành một bài nghiên cứu.

Lần đầu tiên trình bày tại cuộc thi sinh viên NCKH và đạt được giải Ba; tham gia trình bày tại hội nghị ICECH 2022 ở TP.HCM…

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội bật mí lý do “bình thường hóa sự nỗ lực” - Ảnh 2.

Phạm Ngọc Sơn và các sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý trân trọng tặng hoa cảm ơn các thầy/cô giáo trong Hội đồng Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp

Lý giải thói quen “bình thường hóa sự nỗ lực”!

- Thầy/cô giáo nào ở Bách khoa Hà Nội khiến Sơn ấn tượng nhất? Có thầy/cô nào ảnh hưởng đến sự lựa chọn tương lai hoặc phong cách (cách học, cách ứng xử trong cuộc sống, cách nhìn nhận sự việc…) của bạn không? 

* Mỗi giai đoạn tôi lại ấn tượng với một thầy/cô!

Năm nhất, năm hai, tôi rất quý thầy PGS.TS Nguyễn Xuân Thảo dạy tôi và các bạn môn Giải tích I. Ngoài những kiến thức được truyền tải cô đọng, thầy Xuân Thảo thường chia sẻ những câu chuyện vừa gắn với môn Toán, vừa gắn nhiều với thực tế.

Tôi nhớ nhất chuyện về điểm cực trị là điểm cô đơn nhất! Với sự truyền đạt rất dễ hiểu, thầy đã làm cho bài giảng sinh động hơn, chúng tôi thấy môn Toán không hề khô cứng.

Sang đến các năm sau, tôi được học nhiều hơn các môn chuyên ngành, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Người tôi ngưỡng mộ ở giai đoạn này chính là thầy PGS.TS Đào Thanh Bình. Thầy Bình còn là Trưởng Ban cố vấn Câu lạc bộ Kế toán Tài chính (SAFC).

Thầy ảnh hưởng đến tôi nhiều lắm! Khi dạy học, thầy luôn nghiêm túc và hết mình. Trong công việc của câu lạc bộ, thầy cùng các thầy/cô ban cố vấn luôn kiên trì hướng dẫn chúng tôi từ các việc nhỏ nhất. Ngoài giờ làm việc, thầy tham gia các hoạt động thể thao ở trường và cổ vũ các sinh viên cùng chạy rèn luyện sức khỏe. Tôi nhớ có lần chạy bộ ở trường gặp thầy, thầy “kéo” chạy tận 5 vòng quanh Bách khoa (mệt xỉu luôn á!)

Trong quá trình NCKH, tôi rất biết ơn cô giáo TS. Thái Minh Hạnh. Cô Hạnh hướng dẫn tôi chọn đề tài, lên ý tưởng, viết bài báo NCKH sao cho thuyết phục...Tôi học được ở cô phong cách làm việc chuyên nghiệp, rõ ràng.

Khi tôi mắc lỗi, cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở mà sao tôi lại rất nhớ. Như lần ôn thi chứng chỉ quốc tế lần đầu tiên (môn Management Informantion), tôi nản vì thấy quá sức. Lúc đó cô Hạnh bảo tôi: “Môn đó khó thi nhưng cứ cố hết sức, khó mà làm được thì mới quý”.

Từ đó trở đi, nhớ lời cô, tất cả mọi việc tôi đều cố làm hết sức, dần dần hình thành thói quen bình thường hóa sự nỗ lực!

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội bật mí lý do “bình thường hóa sự nỗ lực” - Ảnh 3.

Theo Phạm Ngọc Sơn, để có thành tích học tập cao, cần có nhiều kỹ năng. Đặc biệt, kỷ luật là điều kiện bắt buộc

6 bước, 6 lưu ý để “gặt” mưa học bổng, đạt điểm A+ khóa luận tốt nghiệp

- Được biết Sơn có thành tích học tập xuất sắc, đạt nhiều học bổng, cùng đó còn tham gia NCKH, tham gia các cuộc thi cho sinh viên… Sơn có thể chia sẻ bí quyết để đạt thành tích cao trong học tập và NCKH không? Liệu có phải cứ chăm là được? 

* Để có thành tích học tập cao, theo tôi, cần tổ hợp các kỹ năng, quan trọng nhất là kỹ năng quản lý thời gian. Cùng đó, kỷ luật là điều kiện bắt buộc.

6 bước tôi làm hàng ngày để mỗi ngày của tôi trôi qua thật hiệu quả:

Bước 1: Xác định mục tiêu;

Bước 2: Liệt kê chi tiết các công việc trong ngày;

Bước 3: Chia công việc vào 4 nhóm: 1. Việc quan trọng – không khẩn cấp (mục tiêu dài hạn); 2. Việc quan trọng – khẩn cấp (các deadline trong học, thi, dự án…); 3. Việc không quan trọng – khẩn cấp (sinh hoạt hàng ngày); 4. Việc không quan trọng – không khẩn cấp (phần thưởng như đi phượt, cà phê bạn bè…);

Bước 4: Phân bổ thời gian cho các công việc: Nhóm 1: 60% thời gian; Nhóm 2: 20% thời gian; Nhóm 3 và 4: 20% thời gian;

Bước 5: Lên kế hoạch thời gian cho từng công việc theo mức độ ưu tiên;

Bước 6: Thực hiện, đánh giá và điều chỉnh.

Trong các bước trên, tôi cho rằng việc xác định mục tiêu là bước quyết định còn các bước còn lại mang tính quan trọng. Có lẽ vì tôi xác định mục tiêu rất rõ ràng và có niềm tin là mình làm được nên tôi mới có thể làm một cách kiên trì bền bỉ như vậy! Một kiểu tự kỷ ám thị chăng?!  (cười)

- Sơn có thể kể về hành trình làm khóa luận tốt nghiệp của mình không?

* Hành trình làm khóa luận tốt nghiệp của tôi thực ra có khá nhiều gian nan. Thời điểm tôi phải hoàn thành tốt khóa luận, ôn thi chứng chỉ IELTS, bố tôi bị bệnh rất nặng phải nhập viện điều trị.

Thầy hướng dẫn tôi khóa luận là thầy Th.S Vũ Việt Hùng. Lúc bố tôi nhập viện điều trị, tôi xin thầy được chậm lại so với kế hoạch, thầy bảo tôi: “Lo cho sức khỏe của bố nên là ưu tiên số 1. Em cố gắng lên!”. Nghe lời động viên của thầy, tự dưng tôi thấy ấm áp và cảm động vô cùng. Thầy như người thân trong gia đình, chia sẻ và đồng cảm với những lo lắng của tôi.

Với sự động viên, giúp đỡ của thầy Việt Hùng, ngày 23/8 tôi bảo vệ khóa luận đạt điểm A+. Ngày 1/9 tôi thi IELTS, may mắn đạt mục tiêu đề ra.

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội bật mí lý do “bình thường hóa sự nỗ lực” - Ảnh 4.

Niềm vui Lễ bảo vệ tốt nghiệp của Phạm Ngọc Sơn cùng các bạn và thầy/cô giáo Viện Kinh tế và Quản lý

- Sơn có bí quyết gì để đạt thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc? 

* Cá nhân tôi có 6 lưu ý để đạt được điểm khóa luận A+ khóa luận tốt nghiệp:

1. Chọn đề tài và viết được tên đề tài rất quan trọng. Dù bạn định chọn làm về lĩnh vực gì thì cũng cần phải viết đầy đủ, cô đọng và dễ hiểu.

2. Nguyên tắc quen thuộc: “Luôn lên kế hoạch từ sớm”! Khi làm khóa luận, tôi lên kế hoạch cho các đầu việc cụ thể sau: Chọn đề tài; viết đề cương; hoàn thành các chương 1, 2, 3, 4 và gửi thầy nhận xét; hoàn thành bản mềm; in bản cứng; ngày bảo vệ.

3. Kỹ năng nghiên cứu rất quan trọng. May mắn tôi đã có kinh nghiệm nghiên cứu từ trước nên việc tìm học liệu, trình bày báo cáo không gặp quá nhiều khó khăn.

4. Việc trình bày báo cáo thuyết trình cần chuyên nghiệp: Rõ ràng về nội dung, nhất quán về phong cách, hình thức dễ nhìn;

5. Trước khi trình bày trước hội đồng, tôi đã luyện tập rất nhiều trước ở nhà. Tôi tự chuẩn bị slide và trình bày một bài khóa luận hơn 100 trang trong 25 slide mất khoảng 10 phút. Tôi ghi âm để tự nghe lại và chỉnh sửa cho phù hợp. Cứ thế đến khi bản thân đã thấy hoàn thiện nhất. Đến lúc lên trình bày tôi thấy khá thoải mái và tự tin.

6. Ở phần trả lời vấn đáp với hội đồng, theo tôi không có bất kỳ kỹ năng hay bí quyết nào. Vì để trả lời thuyết phục được, nhất định bạn phải thực sự hiểu bài mình đang làm.

Ngoài ra, phải luôn luôn cầu thị. Các góp ý của thầy/cô cũng chính là để mình chỉnh sửa và hoàn thiện hơn trong tương lai.

- Cảm ơn Phạm Ngọc Sơn về cuộc trao đổi!

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội bật mí lý do “bình thường hóa sự nỗ lực” - Ảnh 5.

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐHBK Hà Nội năm 2023 Phạm Ngọc Sơn. Ảnh: Duy Thành

Gia Hân (thực hiện) (hust.edu.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem