"Thủ lĩnh nông dân" 9X và mô hình làm giàu “2 trong 1” ở đất Hà Giang

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 16/09/2020 13:20 PM (GMT+7)
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, Chi hội trưởng nông dân, Bàn Văn Nọi, sinh năm 1992 (thôn Khuổi My, xã Phương Độ, TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang) luôn đi đầu trong phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Không chỉ vậy, anh còn là người tiên phong vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, làm du lịch cộng đồng mang lại thu nhập cao cho người Dao ở Khuổi My.

Tiên phong chuyển đổi canh tác

Được sự giới thiệu của Hội ND TP.Hà Giang, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nọi ở thôn Khuổi My. Khuổi My cùng với Nà Thác, Lùng Vài là những thôn nằm ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nhất của xã Phương Độ.

"Nhà càng lâu năm, rêu phủ càng dày, càng xanh, càng đẹp. Nhìn lớp rêu có thể đoán được tuổi của nhà. Ngày nay, nhiều ngôi nhà sàn mái rêu phong đã được thay thế bằng nhà mới mái tôn đỏ. Tuy nhiên, trong thôn vẫn còn khoảng một nửa là nhà sàn mái lá, tạo thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến đây" - anh Nguyễn Thành Đang- Chủ tịch Hội ND xã Phương Độ cho biết.

Thủ lĩnh 9X và mô hình làm giàu “2 trong 1”  - Ảnh 1.

"Anh Bàn Văn Nọi là một chi hội trưởng nông dân trẻ tuổi, năng động. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Nọi còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn về những kiến thức trong phát triển nông nghiệp, thực hiện xây dựng NTM…".

Anh Nguyễn Thành Đang -

Chủ tich Hội ND xã Phương Độ

Đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, anh Nọi pha ấm trà mời khách và chia sẻ: "Thôn Khuổi My chỉ cách trung tâm xã chừng chục cây số nhưng trước đây, muốn xuống xã, bà con trong thôn phải đi bộ cả ngày trời, cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đường lên thôn giờ đây đã được đổ bê tông, tuy nhỏ hẹp và dốc nhưng cũng dễ đi".

Anh Nọi cho biết, hiện nay, thôn Khuổi My có 62 nhân khẩu, cuộc sống đồng bào người Dao ở đây đã có nhiều thay đổi phấn khởi hơn trước. Cây chè và thảo quả là nguồn thu nhập chính. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các đoàn thể, bà con cũng đã bắt đầu biết cách phát triển du lịch cộng đồng.

Bắt đầu công việc của người Chi hội trưởng nông dân từ năm 2018, anh Nọi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ở Khuổi My. Đường giao thông được xây dựng dẫn lên tận thôn, bà con tập trung phát triển nuôi trồng các loại cây, con đặc sản đã giúp đời sống người dân được nâng lên đáng kể.

"Khuổi My nằm trên núi cao, mây mù bao phủ quanh năm, khí hậu ưu đãi để trồng cây chè và thảo quả. Ban đầu, người dân còn chưa tin vào hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, sau khi gia đình tôi trồng thử, rồi vận động bà con chuyển đổi canh tác, đến nay nhà nào cũng trồng, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Gia đình nào diện tích lớn có thể thu về trên 100 triệu đồng" - anh Nói chia sẻ. Năm 2018, diện tích trồng chè và thảo quả của thôn Khuổi My là 25ha, nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 38ha. Hiện, gia đình anh Nọi cũng có 6ha trồng thảo quả và 2ha trồng chè. Theo anh Nọi, từ thảo quả và chè mỗi năm đã mang lại cho gia đình anh trên 100 triệu đồng.

Du lịch làm mũi nhọn

Thủ lĩnh 9X và mô hình làm giàu “2 trong 1”  - Ảnh 3.

Anh Bàn Văn Nọi (áo kẻ) - Chi hội trưởng nông dân thôn Khuổi My chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê cho bà con trong thôn. Ảnh: M.N

Khuổi My có địa hình đồi, núi dốc cùng nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế. Song, để "dân vận khéo" từng bước đi vào cuộc sống, anh Nọi cho rằng, chìa khóa thành công chính là hành động nêu gương "nói đi đôi với làm" của cán bộ, đảng viên.

Một trong những minh chứng điển hình cho thành quả ngọt ngào này chính là quá trình vận động người dân hiến đất làm đường NTM. Trước khi khởi công xây dựng đường giao thông dẫn lên Khuổi My, còn một số hộ gia đình không thực hiện hiến đất làm đường. Sau nhiều lần đến nhà vận động, tuyên truyền, người dân đã đã tự nguyện hiến đất. Thậm chí có những hộ ban đầu phản đối, nhưng sau khi được vận động họ tự nguyện hiến hàng chục m2 đất. Anh Nọi kể: "Trước đây, đường lên Khuổi My chỉ là lối mòn nhỏ, nhiều dốc cao, vực thẳm. Để xây dựng các công trình phụ, phải vác từng bao cát, sỏi từ dưới suối ngược dốc cao và tự tay đóng gạch bi. Trong đó, xi-măng bắt buộc phải mua từ thành phố chở lên đến thôn bằng xe máy. Nhưng vì đường khó nên chở được 1 bao xi-măng trị giá 50.000 đồng thì cũng mất đến 100.000 đồng tiền công vận chuyển". Từ dẫn chứng thực tế này, nhiều người dân đã hiểu được sự cần thiết của việc có đường giao thông dẫn đến thôn".

Ngoài tập trung phát triển trồng các loại cây, con đặc sản, từ đầu năm 2020, TP.Hà Giang, xã Phương Độ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, hướng dẫn bà con ở các thôn Khuổi My, Lùng Vài, Nà Thác tận dụng thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Theo anh Nọi, Khuổi My nằm trên dải Tây Côn Lĩnh, với khí hậu mát mẻ quanh năm, những thửa ruộng bậc thang, những rừng chè cổ thụ nơi đây thường bồng bềnh trong mây khói. Nhiều mái nhà sàn phủ rêu xanh cổ kính và lãng mạn. Bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ... Bởi vậy Khuổi My có nhiều tiềm năng để phát triển các địa điểm du lịch cộng đồng.

"Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ gia đình lợp mái nhà bằng lá cọ, nuôi cá đặc sản, trồng các vườn hoa để trải nghiệm. Đây sẽ là cơ sở rất tốt để tạo kế sinh nhai, phát triển bền vững đối với người dân ở Khuổi My nói chung và đồng bào các dân tộc của xã Phương Độ nói chung" - anh Nọi chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem