Thủ lĩnh tự sát, Mỹ tấn công dồn dập, vì sao khủng bố IS vẫn vươn ra toàn cầu?

Minh Nhật (theo Reuters) Chủ nhật, ngày 06/02/2022 14:00 PM (GMT+7)
Kể từ đỉnh cao quyền lực cách đây 7 năm, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cai trị hàng triệu người ở Trung Đông và gây ra nỗi sợ hãi trên toàn thế giới bằng các vụ đánh bom và xả súng chết người, IS ngày nay đã lùi vào bóng tối nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm.
Bình luận 0
Thủ lĩnh tự sát, Mỹ tấn công dồn dập, vì sao khủng bố IS vẫn vươn ra toàn cầu? - Ảnh 1.

Các chiến binh IS. Ảnh IT

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria (IS) đã trở thành mục tiêu của chiến dịch quân sự bền vững của liên minh do Mỹ dẫn đầu và đã phải hứng chịu nhiều thất bại nặng nề khác ở Trung Đông.

Tuần này, IS đã mất lãnh đạo tối cao thứ 2 trong 2 năm khi Abu Ibrahim al-Hashemi al-Quraishi kích hoạt thuốc nổ tự sát trong một cuộc không kích của quân đội Mỹ ở tây bắc Syria, khiến bản thân và các thành viên trong gia đình thiệt mạng.

Nhưng IS đã kịp mở rộng ở khu vực Sahel của châu Phi - nằm ở phía Nam sa mạc Sahara và trải rộng qua các vùng lãnh thổ miền Bắc Senegal, miền Nam Mauritania, miền Trung Mali, miền Nam Algeria và Niger, miền Trung CH Chad, miền Nam Sudan, miền bắc Nam Sudan và Eritrea - vào năm ngoái. Việc Mỹ hỗn loạn rút khỏi Afghanistan có thể mở ra cơ hội tăng cường sự hiện diện của nhóm khủng bố này ở đây.

Trong khu vực cốt lõi - Iraq và Syria - IS đã nhận trách nhiệm thực hiện hàng trăm cuộc tấn công vào năm ngoái. Vào tháng 1, tổ chức này đã tiến hành chiến dịch vượt ngục ở đông bắc Syria, trong đó hơn 100 cai ngục và lực lượng an ninh đã bị giết.

Dưới đây là tóm tắt về sự hiện diện của IS trên khắp thế giới.

Trung Đông

Iraq - nơi khởi nguồn của IS và nước láng giềng Syria vẫn là tâm điểm của các hoạt động của nhóm khủng bố này.

Từng có trụ sở tại thành phố Raqqa của Syria và thành phố Mosul của Iraq, IS hiện trú ẩn tại vùng nội địa của hai quốc gia bị chia cắt. Các chiến binh của IS rải rác khắp các tỉnh của 2 nước này.

Ban lãnh đạo của IS là bí mật và quy mô tổng thể của nhóm này khó có thể định lượng được, mặc dù Liên Hợp Quốc ước tính nhóm này có khoảng 10.000 chiến binh chiến đấu ở vùng trung tâm.

Cuộc tấn công hồi tháng trước nhằm vào nhà tù ở Hasaka - nơi giam giữ hàng trăm chiến binh thánh chiến là hoạt động lớn nhất của IS kể từ sự sụp đổ của cái gọi là caliphate - "Nhà nước Hồi giáo", cho thấy nhóm khủng bố vẫn có thể thực hiện các hoạt động gây chết người quy mô lớn.

Các chi nhánh của IS từ Sinai đến Somalia đã cam kết trung thành với Quraishi khi ông ta kế nhiệm người sáng lập IS là Abu Bakr al-Baghdadi vào cuối năm 2019.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm ngoái ước tính rằng tại tỉnh Sinai của Ai Cập có thể có từ 800 đến 1.200 chiến binh trung thành với IS.

Ở Libya, nơi từng nắm giữ một dải lãnh thổ bên bờ Địa Trung Hải, nhóm khủng bố này yếu hơn, nhưng vẫn có thể khai thác cuộc xung đột đang diễn ra ở đất nước để thực hiện các cuộc tấn công giành lãnh thổ. Ở Yemen, IS cũng được cho là đang suy giảm.

Châu Phi

IS hiện là mối đe dọa trên khắp châu Phi. Những nhóm chiến binh thánh chiens khác bao gồm các nhóm liên kết với al Qaeda như al-Shabaab, hoạt động ở Đông Phi, và Boko Haram ở Nigeria.

IS có 2 chi nhánh lớn ở khu vực Tây và Trung Phi. 2 nhánh này lại có nhiều chi nhánh phụ.

Nhà nước Hồi giáo Tây Phi (ISWAP) chính thức tách khỏi Boko Haram vào năm 2016, sau khi một phe cam kết trung thành với IS trước đó. GlobalSecurity.org ước tính nhóm có khoảng 3.500 thành viên vào năm 2021.

ISWAP hoạt động chủ yếu xung quanh khu vực Hồ Chad giáp với Nigeria, Cameroon, Chad và Niger. ISWAP cũng bao gồm chi nhánh phụ Nhà nước Hồi giáo ở Đại Sahara (ISGS). ISGS hoạt động độc lập ở khu vực biên giới giữa Niger, Mali và Burkina Faso. 

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi đã liên kết 524 sự kiện bạo lực do ISGS phụ trách vào năm 2020, cao hơn gấp đôi so với con số của năm 2019. Những sự kiện này đã dẫn đến hơn 2.000 người thiệt mạng trên khắp Mali, Niger và Burkina Faso.

Nguy hiểm không kém ISWAP là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Phi (ADF) - nhánh lớn thứ 2 của IS ở châu Phi. Nhánh này bị Mỹ cho là đã gây ra 849 cái chết cho những người dân vô tội.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, số vụ giết người của ADF đã tăng gần 50% vào năm 2021. Ước tính hơn 1.200 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công như vậy.

Nam Á

Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) - ở Afghanistan và các khu vực lân cận - đã nổi lên là mối đe dọa  chính trong khu vực kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái.

Các chuyên gia nói rằng, các khu vực hoạt động chính của IS-K là các quốc gia Trung và Nam Á. IS-K được lãnh đạo bởi một lãnh đạo "đầy tham vọng" mặc dù ít được biết đến hơn tên là Shahab al-Muhajir kể từ năm 2020.

IS-K được thành lập lần đầu tiên vào năm 2015 với sự ủng hộ của Baghdadi, theo các nhà nghiên cứu phương Tây, và là kẻ thù đáng gờm đối với chính phủ được Mỹ hậu thuẫn và lực lượng nổi dậy Taliban.

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, các hoạt động của IS-K đã phát triển mạnh, làm dấy lên lo ngại rằng Afghanistan một lần nữa có thể trở thành nơi trú ẩn của các nhóm chiến binh giống như khi al Qaeda tấn công Mỹ vào năm 2001.  

Nhóm này đã thực hiện một số vụ tấn công táo bạo gần đây, bao gồm một vụ tấn công liều chết bên ngoài cổng sân bay Kabul trong chiến dịch sơ tán hỗn loạn của Mỹ khiến gần 200 người thiệt mạng, bao gồm cả quân nhân Mỹ

Các số liệu về sức mạnh của IS-K khác nhau. Một ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa số lượng chiến binh IS-K vào khoảng 1.500 đến 2.200, nhưng đó là trước khi Kabul thất thủ.

Đã có nhiều báo cáo về việc các chiến binh Taliban bất mãn và một số thành viên Taliban Pakistan gia nhập IS-K trong những tháng gần đây. Một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã đẩy hàng triệu người Afghanistan vào cảnh nghèo đói, buộc nhiều người chọn gia nhập IS-K để sống sót.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem