Thu lợi lớn từ cây dong riềng

Thứ hai, ngày 24/12/2012 15:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với lợi thế về đất đồi núi dốc, nhiều người dân ở huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã trồng cây dong riềng xen canh với rừng để sản xuất miến. Mô hình này đem lại đạt hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với các cây trồng khác.
Bình luận 0

Mỗi ha thu 20 - 30 triệu đồng

Ông Hà Văn Thể - người dân tộc Mán ở thôn Háng Cáu, xã Kim Lư (Na Rì) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như bao hộ dân khác, thấy dong riềng dễ trồng và hợp với vùng đất đồi núi dốc nên vẫn trồng loại cây này để vào thời kỳ giáp hạt ăn cho đỡ đói...”.

Nhưng bây giờ, theo ông Thể, vụ dong riềng năm nay, chỉ với 2ha, gia đình ông đã thu được 50 tấn, với giá bán từ 1.400 - 1.700 đồng/kg, trừ hết chi phí ông cũng thu về khoảng 40 triệu đồng. Cùng chung niềm vui được mùa dong riềng, ông Mã Văn Trung (dân tộc Nùng) ở thôn Lủng Cào, xã Kim Lư, phấn khởi: “Với 3ha, trừ hết chi phí, vụ dong riềng năm nay gia đình tôi cũng thu về khoảng hơn 70 triệu đồng”.

img
Gia đình ông Hà Văn Thể thoát nghèo nhờ trồng dong riềng.

Ông Nông Như Thượng - cán bộ khuyến nông xã Kim Lư cho biết, hiện trên địa bàn xã có 54ha cây dong riềng. Như năm nay, người dân đang thu lợi nhuận cao gấp 3 lần so với cấy lúa. “Chúng tôi cũng đã thử nghiệm giúp bà con nhiều loại cây trồng khác nhau trên địa bàn xã nhưng hiện tại thấy có cây dong riềng là dễ chăm sóc, phù hợp với đất đai, khí hậu, cho năng suất cao” - ông Thượng cho biết.

Cây hàng hóa cho giá trị cao

Xác định cây dong riềng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên trong những năm qua UBND huyện Na Rì đã có chủ trương và chính sách hỗ trợ, đầu tư mở rộng diện tích trồng sản xuất. Nếu như năm 2006, diện tích cây dong riềng mới đạt 10ha với năng suất 113 tạ/ha, thì đến năm 2012 diện tích đã tăng lên hơn 822ha với năng suất 654 tạ/ha. Một trong số các địa bàn trồng dong riềng lớn phải kể tới xã Côn Minh có hơn 300ha, xã Cư Lễ gần 85ha, Kim Lư 54ha...

Không chỉ đầu tư cho sản xuất, công nghệ chế biến dong riềng cũng được UBND huyện Na Rì hỗ trợ nên đến nay đã có 32 cơ sở chế biến tinh bột và sản xuất miến dong được xây dựng với dây chuyền hiện đại hơn, giảm công, tăng năng suất lao động.

Ông Hoàng Văn Giáp - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Bắc Kạn kiêm Giám đốc Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn (3Pad) cho biết: “Dự án 3Pad cũng hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật, trang bị máy chế biến tinh bột mini và tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý bã thải, nước thải dong riềng theo hướng canh tác bền vững trên đất dốc”.

Ngoài ra, Quỹ APIF thuộc Dự án 3Pad của Bắc Kạn cũng hỗ trợ Dự án trồng, chế biến sắn và dong riềng của Hợp tác xã Đồng Tâm, với tổng mức đầu tư là hơn 5 tỷ đồng (Quỹ APIF hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem