“Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận thí sinh ảo”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển vào đại học.
Thưa Thứ trưởng, đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm nay kết thúc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, còn nhiều giải pháp tuyển sinh khác có thể đem lại kết quả tốt hơn. Vậy, đâu là lý do để Bộ quyết định chọn phương án như năm nay?
Công khai thông tin đăng ký xét tuyển cho thí sinh biết để rút/nộp hồ sơ như đã áp dụng năm 2015 có lợi cho cả thí sinh lẫn nhà trường. Song buộc thí sinh phải theo dõi thông tin, gây áp lực tâm lý căng thẳng mà chính dư luận xã hội đã phản ứng, không đồng tình.
Giải pháp xét tuyển chung trong cả nước, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường theo thứ tự ưu tiên và chạy phần mềm xét tuyển chung. Giải pháp này lý tưởng, quyền lợi thí sinh được đảm bảo tối đa, không áp lực tâm lý và các trường cũng không có thí sinh ảo.
Bộ đã đưa ra thảo luận giải pháp này 2 năm nay nhưng nhiều trường không đồng tình vì mỗi trường đều muốn tự chủ xử lý cụ thể vấn đề tuyển sinh của trường mình.
Do đó, năm 2016 Bộ đã áp dụng giải pháp trung gian. Với giải pháp này quyền lợi của thí sinh được đảm bảo và tỉ lệ ảo của các trường ở mức có thể chấp nhận được.
Thưa Thứ trưởng, thực tế các trường vẫn có khó khăn trong việc tiên lượng được số thí sinh ảo để xác định điểm chuẩn phù hợp. Bộ có xử lý các trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu?
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận thí sinh ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.
Trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, Bộ đã cung cấp thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc ảo. Trong qui chế cũng đã bổ sung nhiều qui định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo như đã nói ở trên.
Bộ cũng khuyến khích các trường thống nhất tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh ảo, nhưng nhiều trường còn do dự về việc này.
Bộ đã yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để đảm bảo chất lượng đào tạo và không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác.
Bộ có lưu ý gì đối với các trường và thí sinh trong các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, thưa Thứ trưởng?
Đối với thí sinh đã trúng tuyển vào ĐH, CĐ đợt 1 phải nhanh chóng nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mình quyết định nhập học. Thời hạn cuối nộp giấy này là hết ngày 19-8.
Sau thời hạn trên, thí sinh nào không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì xem như không chấp nhận vào học tại trường và nhà trường sẽ gọi thí sinh bổ sung. Ngay cả khi thí sinh trúng tuyển vào một trường cũng phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học.
Đối với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 (hay thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường) theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung trên các trang thông tin điện tử của các trường.
Do vậy, thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn nhiều cơ hội được xét tuyển vào các ngành/trường mà mình yêu thích.
Đối với các trường, Bộ yêu cầu công khai, minh bạch thông tin xét tuyển, thực hiện nghiêm quy chế và hướng dẫn công tác tuyển sinh, đảm bảo đúng thời gian và lịch trình các đợt xét tuyển, không được đặt ra bất kỳ một quy định ngoại lệ nào gây khó cho thí sinh.
Vậy, năm 2017, hướng dự kiến của Bộ về kỳ thi và tuyển sinh sẽ như thế nào?
Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thống kê sơ bộ, nhiều Sở muốn chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh.
Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ công bố vào đầu năm học này.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.