Doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất đã là thành công lớn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất đã là thành công lớn"
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 02/10/2021 20:05 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn sản xuất, từ nay đến cuối năm chúng ta chủ yếu là phục hồi nên các doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất đã là thành công lớn.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, trả lời câu hỏi của báo chí về dự báo kinh tế Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã trình 2 phương án trên cơ sở tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, cũng như mục tiêu từ nay đến cuối năm và một số điều kiện đặt ra.
“Trên cơ sở thực hiện đánh giá, ước cả năm GDP 2021 đạt 3 - 3,5%. Với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm, quý IV cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm, quý IV cần tăng trưởng 8,84% trở lên”, ông Phương cho biết.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng quý đạt mức 7% trở lên là con số từng đạt được trong quá khứ. Tuy nhiên quý IV/2021, có rất nhiều điểm đặc biệt phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn với dịch.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần một số điều kiện như đối với doanh nghiệp cần không bị “đóng băng” hay đóng cửa, doanh nghiệp phải được hoạt động.
Đối với lao động thì phải được dịch chuyển. Bởi hiện các khu, cụm công nghiệp ở nhiều thành phố lớn đang trong tình trạng thiếu lao động tức thời. Do vậy sắp tới đây cùng với những quy định về y tế, hy vọng rằng các lao động sẽ được dịch chuyển một cách an toàn để đi làm.
Đối với hàng hóa phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương, bao gồm hàng hoá đầu vào và đầu ra. Có được như vậy mới hỗ trợ được cho tăng trưởng kinh tế được.
Theo ông Phương, trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn sản xuất, từ nay đến cuối năm chúng ta chủ yếu là phục hồi nên các doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất đã là thành công lớn.
“Rất kỳ vọng rằng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị thì chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng hơn 7% như đã từng làm trong quá khứ”, ông Phương nói.
Trước đó, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi. Theo đó, dựa vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Trong đó, theo kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%, để đạt được mức trên, thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%; kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3,0%, để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý IV đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp quý II là 6,61% nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2, khi yêu phải đạt mức tăng trưởng 7,1% trong quý IV.
Bà Nguyễn Thị Hương-Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, GDP 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN hoạt động trở lại, đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng quý IV và cả năm 2021.
Do vậy, với mức tăng trưởng 9 tháng này, khả năng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2021 là không còn khả thi. Nhưng, Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn đang được triển khai quyết liệt và nghiêm ngặt; chiến dịch tiêm chủng toàn dân cũng đã và đang bao phủ khá rộng, mục tiêu hướng tới 70% dân số sẽ được tiêm đủ 2 mũi đến giữa năm 2022 giúp Việt Nam có thể kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới cho hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, thái độ và ý thức của người dân trong phòng tránh dịch bệnh cũng là nhân tố quan trọng để đạt được bước tiến cao hơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trong quý IV, nếu giải quyết được vấn đề kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công làm vốn mồi cho nền kinh tế, sớm khơi thông những bế tắc trong lưu thông hàng hóa, thúc đẩy luồng tài chính vận hành thông suốt và hiệu quả, triển khai kịp thời các gói tài chính kích thích sản xuất, chớp thời cơ tận dụng cơ hội từ đà phục hồi thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới... thì khả năng sản xuất phục hồi và bứt phá mạnh ở một số nhóm ngành.
Cụ thể là các ngành nông nghiệp, thủy sản, chế biến chế tạo, thương mại, vận tải, kho bãi; lưu trú ăn uống... Đặc biệt khi nhu cầu thế giới trong những tháng cuối năm đang có xu hướng tăng cao, Việt Nam sẽ có điều kiện phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh vẫn phải phòng chống dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.