Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: "Tình hình Biển Đông tiềm ẩn những mối lo ngại mới"

V.N Thứ năm, ngày 18/11/2021 11:51 AM (GMT+7)
Trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới: Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện, nhiều bộ luật và hoạt động quốc gia trái với UNCLOS 1982, quyền và lợi ích của quốc gia ven biển không được tôn trọng đầy đủ.
Bình luận 0

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV) đã khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn". Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả, là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 Đại sứ).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định: Với vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những diễn biến và phát triển ở Biển Đông sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới. 

Còn nhiều hoạt động của các nước trái với Công ước Luật Biển LHQ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cảnh báo những mối lo ngại mới ở Biển Đông. Ảnh: BNG.

"Trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong khi Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực", Thứ tưởng Phạm Quang Hiệu nói.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, Hội thảo cần tập trung trao đổi 4 vấn đề: 1/ Những việc cần làm để tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nước, nhất là các nước có yêu sách, nhằm kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cùng chấp nhận được; 2/ Các biện pháp củng cố trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; 3/ Làm thế nào xây dựng cấu trúc an ninh đa phương ở khu vực, để xử lý hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với vai trò trung tâm của ASEAN; 4/ Tìm kiếm những biện pháp thúc đẩy hợp tác biển trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào quản lý biển, đặc biệt là kinh tế biển xanh nhằm phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng trên biển.

Còn nhiều hoạt động của các nước trái với Công ước Luật Biển LHQ - Ảnh 2.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 khai mạc sáng nay 17/11. Ảnh: BNG.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ: Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận trên nhiều khía cạnh, từ an ninh biển, kinh  tế biển, bảo vệ khí hậu, cộng đồng, nghề cá…

Bà ghi nhận, năm 2021 Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm tại nhiều quốc gia, nhiều diễn đàn quốc tế, trong đó Công ước Luật Biển LHQ UNCLOS 1982 là cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Các nước ngày càng đề cao giá trị thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên biển phù hợp lợi ích chung của cộng đồng.

ASEAN tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về những lo ngại gây mất ổn định trên Biển Đông, tiếp tục đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử COC. 

Tiến sĩ Phạm Lan Dung cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự đoán, việc tiếp tục tổ chức Hội thảo Biển Đông là một nỗ lực của Học viện trong việc duy trì diễn đàn quy tụ các học giả hàng đầu trong nước và thế giới nhằm thảo luận khoa học, thẳng thắn, khách quan và cầu thị về tình hình và giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Việc tổ chức Hội thảo cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đối tác và bạn bè trong nước và quốc tế.

Hội thảo có 8 phiên chính thức, ngoài ra còn có 3 phiên Lãnh đạo trẻ được mở ra là diễn đàn cho thế hệ trẻ chia sẻ quan điểm, góp thêm tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Dự kiến cũng sẽ có những phiên bình luận sau Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về những nội dung trao đổi tại Hội thảo.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem