Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Giấy phép sản xuất nông nghiệp không phải là xin- cho, mà để bảo vệ nông dân
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Giấy phép sản xuất nông nghiệp không phải là xin- cho, mà để bảo vệ nông dân
Lê Hân (thực hiện)
Thứ tư, ngày 03/02/2021 17:28 PM (GMT+7)
"Giấy phép" ở đây là những chứng chỉ về đào tạo nghề, đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất, chứ không phải là giấy phép theo kiểu xin- cho, ngăn sông cấm chợ, làm khó nông dân"- ông Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn riêng Báo điện tử Dân Việt.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (diễn ra từ 25/1 đến 1/2) vừa qua, ông Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT có nhấn mạnh một trong những nội dung chính, đó là sản xuất nông nghiệp phải có "giấy phép".
Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm nay 3/2, PV Báo điện tử Dân Việt đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan.
Vừa qua, trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông có nhấn mạnh ý cho rằng: Sản xuất nông nghiệp cần phải có giấy phép. Ông có thể cho biết cụ thể nội dung này?
- Thực ra, mới nghe qua nhiều người chưa hiểu hết ý này, cứ nghe thấy từ "giấy phép" là nghĩ ngay tới việc xin- cho, làm khó nông dân theo kiểu ngăn sông cấm chợ. Giấy phép mà tôi đề cập đến ở đây, thực tế đó là những chứng chỉ để người nông dân tự hào, để chứng mình cho người tiêu dùng rằng, tôi đã được nhà nước chứng nhận, được học hành đầy đủ rồi.
Nghề nông là một nghề có tác động ra môi trường, tác động đến thị trường, nên không phải cứ tự động thích làm gì thì làm. Chẳng hạn như trong chăn nuôi, trồng trọt, người dân cần có nghĩa vụ báo cáo cho chính quyền. Báo cáo ở đây không phải để xin- cho, mà là để người ta biết, khuyến cáo mình thị trường thiếu cái gì, thừa cái gì, từ đó có định hướng sản xuất, chẳng hạn như anh đang muốn nuôi 100 con lợn, khi báo cáo với chính quyền, họ bảo anh nuôi thế là thừa, chỉ nên nuôi 50 con thôi, chứ có phải giấy phép xin- cho nặng nề gì đâu.
Đúng như ông nói, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay của ngành nông nghiệp, đó là làm sao phải quản lý được quy hoạch, có được số liệu chính xác về sản xuất, nên việc cấp giấy phép như ông nói thực ra là rất cần thiết. Vậy làm sao để có thể áp dụng vào thực tế ở nước ta, thưa ông?
- Đối với các nước tiên tiến trên thế giới, không có nơi nào để nông dân muốn, thích làm gì thì làm, mà họ đều có đăng ký với chính quyền để sản xuất. Chẳng hạn như cây có múi (cam, quýt) hiện nay đang phát triển quá nhiều, thì trách nhiệm của nhà nước là phải khuyến cáo, chứ không để đến lúc thừa ra rồi lại hò nhau đi giải cứu. Người nông dân cũng phải hiểu được chuyện đó, nên việc đăng ký sản xuất là để bảo vệ cho họ, chứ không phải làm khó cho họ. Đó hoàn toàn không phải chuyện ngăn sông cấm chợ.
Thực tế, làm nông nghiệp đâu phải dễ dãi, thích làm gì thì làm, vì nông nghiệp tác động đến sức khỏe người tiêu dùng, đến niềm tin thị trường, đến thương hiệu nông sản, đến môi trường sinh thái xung quanh. Do đó, trách nhiệm của nhà nước, của ngành nông nghiệp, của chính quyền là khuyến cáo, định hướng, nắm được số liệu sản xuất, chứ không phải là xin- cho, làm khó nông dân, mà cái chính là để bảo vệ người nông dân.
Chúng ta cứ dễ dãi hoài không được, mình cứ phải "giải cứu" nông dân hoài là do dễ dãi quá. Rồi đến khi xảy ra dư thừa cái này, ế cái kia cứ đổ cho Bộ NNPTNT, cho ông Bộ trưởng.
Ông có cho rằng, làm nông nghiệp không phải là nơi để cho người không biết gì, không học hành được hay nói đúng hơn là người dốt thì về làm nông nghiệp. Đây chính là vấn đề lớn nhất mà chúng ta cần giải quyết trong giai đoạn chuyển đổi số ngành nông nghiệp, giai đoạn làm nông nghiệp thông minh. Vậy tới đây, theo ông giải pháp để giải quyết vấn đề này là gì?
- Có một thực tế mà hiện ai cũng thấy rõ, đó là nhiều người có quan niệm cho rằng, làm nông nghiệp chỉ dành cho những người... dốt, không biết làm gì, thì về làm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, nền nông nghiệp nước ta đang chuyển biến rất mạnh mẽ sang làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức. Cho nên, muốn làm điều đó, cần phải có đào tạo nghề, có chứng chỉ hành nghề cho nông dân.
Cơ quan quản lý nhà nước dù là quy hoạch hay chiến lược thì cuối cùng người nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh.
Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh?. Đó là những vấn đề bằng những quyết sách, đề án, kế hoạch cụ thể, để chúng ta chuyển đổi từ tư duy, nhận thức người nông dân trước. Vì nếu không thay đổi nhận thức, người ta vẫn theo tập quán, nhận thức, quán tính; vẫn đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì nền nông nghiệp vẫn bấp bênh.
Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ cùng Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp triển khai công tác đào tạo nghề cho nông dân, xây dựng đề án "Nông dân thông minh, Nông nghiệp sinh thái" để làm sao, chúng ta phải hiểu rằng, làm nông nghiệp bây giờ là nông nghiệp thông minh, chứ không phải cứ không biết làm gì thì về làm nông nghiệp.
Nền nông nghiệp mà để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao phát triển được? Thành ra chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân. Tiến tới ngày nào đó, chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi, chứ không phải không biết làm gì thì ra làm ruộng.
"Nếu chúng ta chuyển động tất cả những yếu tố như đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về thì sẽ thu hút được trí thức trẻ về chính nơi các em, các cháu sinh ra. Có như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải "ca cẩm" chuyện thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng đi tới các khu công nghiệp ở Bình Dương, đi Đồng Nai, đi Hải Dương...
Trào lưu đó, sự chuyển dịch đó thì nước nào cũng có. Vậy thì chúng ta phải có chính sách như thế nào để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương thì các cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ. Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương thì các nhà đầu tư đến họ sẽ có hệ sinh thái ở xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết.
Khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để lôi kéo "đại bàng" về làm tổ. Từ đó, chúng ta có thể vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân".
(Ông Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.