Thứ trưởng Bộ Y tế: "Chúng ta tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 sớm nhưng không được ưu tiên như một số nước"

PVCT Thứ năm, ngày 03/06/2021 19:48 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, vì vậy, có trường hợp vắc xin chuyển về cho chúng ta nhưng chỉ vài hôm trước khi hàng về lại được điều sang nước khác...
Bình luận 0

Chiều ngày 3/6, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã thông tin với báo liên quan đến việc nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19; kiểm soát chất lượng vắc xin thế nào.

 Về cơ chế cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, tiếp cận nguồn và cơ chế kiểm soát chất lượng vắc xin, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết: Để có vắc xin phòng Covid-19 cho người dân sớm nhất, Chính phủ có chủ trương khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, có nguồn vắc xin nhập khẩu cùng tham gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vắc xin phòng Covid-19 nhập khẩu trong trình trạng cấp khẩn nên có một số đặc thù - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Theo Thứ trưởng Cường có hai cách tham gia: Một là huy động tiền đóng góp cho Quỹ vắc xin; thứ hai là trực tiếp nhập khẩu vắc xin từ nguồn rất tin cậy.

Về kiểm soát chất lượng vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Vắc xin phòng Covid-19 lần này nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù. Chất lượng vắc xin được nhà sản xuất đảm bảo nhưng vấn đề hiệu quả hay phản ứng vẫn cần tiếp tục theo dõi, không giống như một số loại vắc xin đã sử dụng từ lâu. Cùng với đó, việc bảo quản vắc xin phải trong điều kiện rất ngặt nghèo.

"Vì cấp vắc xin trong điều kiện khẩn cấp, thiếu hồ sơ, đặc biệt một số nội dung chưa kiểm định được nên việc kiểm soát chất lượng không phải kiểm soát thông thường với các tiêu chí chất lượng. Chúng ta phải chấp nhận vắc xin do WHO đã cấp chứng nhận hoặc do một số Cục quản lý dược- Bộ Y tế của một số nước như Mỹ, Châu Âu cấp, chấp nhận một số điều kiện không kiểm định được", ông Cường nói.

Theo ông Cường, cách kiểm soát tốt nhất là trực tiếp mua của các nhà sản xuất mà không thông qua các công ty trung gian.

Thông tin về tiến độ tiêm vắc xin ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

"Chúng ta cơ bản tiếp cận được số lượng này, tuy nhiên, khi nhập khẩu ta phải ký cam kết, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra hoặc chúng ta cũng phải chấp nhận khi các công ty giao hàng không đúng tiến độ", ông Cường thông tin.

Lý giải thêm, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, vì vậy, có trường hợp vắc xin chuyển về cho chúng ta nhưng chỉ vài hôm trước khi hàng về lại được điều sang nước khác, như vừa rồi được điều sang Lào, Campuchia nên số vắc xin về Việt Nam chỉ còn một nửa.

Do đó, tiến độ phải phụ thuộc vào nhà sản xuất và hiện nguồn cung chưa đủ nên phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh một số nước.

"Chúng ta tiếp cận vắc xin sớm nhưng không được ưu tiên như một số nước", Thứ trưởng Bộ Y tế nói và cho hay, từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều.

Theo đó, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quý III/2021 và một số lượng tương đương trong quý IV. AstraZeneca và Covax cũng cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều. Và mới đây nhất, phía Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Sputnik.

"Tổng số vắc xin Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ vì đó là cam kết mà chúng ta đã ký với các nhà sản xuất", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem