Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Chọn một số lĩnh vực công nghệ để làm chủ trong 10 năm tới
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Chọn một số lĩnh vực công nghệ để làm chủ trong 10 năm tới
Mai Lan
Thứ hai, ngày 11/10/2021 11:22 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Việt Nam phải chọn một số lĩnh vực để làm chủ chứ không đủ năng lực để đi đầu trong 10 năm tới ở tất cả các lĩnh vực công nghệ.
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối 62 điểm cầu tại các địa phương góp ý "Dự thảo chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030".
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH và KT Việt Nam khẳng định việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ cấp thiết để xác định các định hướng chiến lược dài hạn, các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mô hình tăng trưởng, giúp Việt Nam từng bước đạt được mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, chiến lược đặt ra giai đoạn đến 2030 sẽ đưa trường đại học thực sự trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh. Phần lớn hiện nay, việc nghiên cứu vẫn là ở các viện, các trường mới chỉ có nhiệm vụ đào tạo là chính, rất hiếm trường có nghiên cứu.
Hiện nay, Hàn Quốc hay một số nước có nền khoa học phát triển, các nghiên cứu chính đến từ các trường đại học. Viện nghiên cứu chỉ đóng vai trò một phần nhất định.
Thực tế, nghiên cứu không có đào tạo thì không có lực lượng nghiên cứu sinh, không gắn với đào tạo thì không duy trì lâu được.
"Đưa công nghệ mới vào thì cách thức làm việc phải khác... Video bài giảng, tài liệu phải gửi trước, học sinh xem trước. Thời gian học đó phải là thời gian để tương tác, trao đổi, hỏi bài. Chúng ta lại đi số hóa quá trình giảng bài truyền thống thì không phải là chuyển đổi số” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, sắp tới, Bộ KH&CN sẽ rà soát các đơn vị nghiên cứu khoa học công lập. Tái cấu trúc theo hướng đơn vị nghiên cứu nào mạnh thì Nhà nước hỗ trợ nhiều, chỗ nào không hiệu quả thì giải thể.
“Không thể duy trì tình trạng như hiện nay, đơn vị nào mạnh, tự chủ được thì Nhà nước không hỗ trợ nữa. Viện nghiên cứu mạnh cứ “teo tóp” vì cơ chế là bởi như thế”, ông Duy nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chiến lược xây dựng sát với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó có đổi mới mô hình tăng trưởng. Thay vì tăng trưởng bằng lao động giá rẻ, phải chuyển sang tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Nội dung chiến lược cũng xây dựng từ việc xác định những xu thế chính của thế giới gồm xu thế toàn cầu hoá, xu thế chuyển đổi số và xu thế về biến đổi khí hậu, các thách thức an ninh phi truyền thống.
Hiện trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa bắt kịp với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp phần đông vẫn đang dừng ở công nghệ 2.0, tự động hoá thấp. Có một số ít doanh nghiệp lĩnh vực tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông... ứng dụng robot hay AI. Do vậy, chúng ta phải chọn một số lĩnh vực để làm chủ chứ không đủ năng lực để đi đầu trong 10 năm tới ở tất cả các lĩnh vực công nghệ.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam thông tin cho rằng, về năng lực nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần lớn xuất phát từ khu vực tư nhân; khu vực doanh nghiệp.
Điều doanh nghiệp cần là đãi thuế - từ việc lập quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho biết, thủ tục thực hiện thuế làm không nổi. Tình trạng doanh nghiệp có quỹ lên đến con số hàng trăm tỷ đồng, nhưng không thực hiện được thủ tục thuế.
Vì vậy, theo ông Hồng, nên ưu tiên đánh giá xem là một giải pháp căn bản như vậy? Gỡ vướng về thủ tục tài chính cho doanh nghiệp, cũng như cho quản lý khoa học công nghệ nói chung.
Bên cạnh đó, ông Hồng cho hay về tổ chức thực hiện, bên cạnh Bộ Khoa học và Công nghệ cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, đề nghị bổ sung mục riêng cho Bộ GD-ĐT mà không xếp chung cùng nhóm các bộ, CQNB khacs, vì đào tạo và nghiên cứu khoa học cần phải gắn kết chặt chẽ, cần thúc đẩy sinh viên các trường đại học nghiên cứu khoa học, yêu cầu giáo viên phải nghiên cứu khoa học. Bộ GD-ĐT cũng quản lý trực tiếp số lượng lớn các trường đại học với nhiều cơ sở nghiên cứu, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.