Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Không ai nghĩ một bụi tre đổ cũng có thể làm sập nhà!

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 18/08/2020 14:44 PM (GMT+7)
Phát biểu kết luận cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với cơn bão số 4 trên biển Đông sáng 18/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần đặc biệt cẩn trọng với sạt lở, lũ ống, lũ quét. Trường hợp một gia đình ở Lai Châu bị bụi tre đổ từ trên đồi xuống nhà cho thấy, sạt lở thường xảy ra bất ngờ, khó lường.
Bình luận 0
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Không ai nghĩ một bụi tre đổ cũng có thể làm sập nhà! - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, từ nay đến hết ngày 23/8, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc phải đối mặt với một tổ hợp thời tiết vô cùng bất lợi. Thứ nhất, mưa lớn đã kéo dài trong vài ngày qua, thậm chí bão số 4 chưa vào nhưng mưa đã xuất hiện cả tuần.

Mưa lớn và đặc biệt lớn kết hợp với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 3 người thiệt mạng (trong đó 1 người ở xã Hồ Thầu (Lai Châu) và 2 người ở Vĩnh Phúc do đi qua ngầm tràn bị nước cuốn trôi, 14 người bị thương.

"Lượng mưa 5 ngày qua là khá lớn, có những địa phương lên đến 500mm, đã có 3 người chết, thiệt hại đáng kể tài sản của người dân" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 4 có thể không đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam mà quét qua biên giới phía Bắc, gây mưa to ở khu vực miền núi phía Bắc.

Đó là chưa kể, thời gian qua ghi nhận tới 20 dư chấn động đất trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đây là một trong những yếu tố cần quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trước diễn biến khó lường của thời tiết, đặc biệt là bão số 4 trên biển Đông, trong công tác chỉ đạo, điều hành cần quan tâm 2 vấn đề, đó là vận hành hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đà, trong đó đặc biệt lưu ý đến thủy điện Sơn La và lũ quét, sạt lở đất.

Hiện, đang thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc, hồ Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m, mực nước hồ hiện chỉ cách cao trình xả lũ dưới 1m.

Theo số liệu đo đạc, hiện nay mực nước đến hồ Sơn La khoảng 5.230m3/s, trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/giây, như vậy hồ Sơn La sẽ giữ lại khoảng 2.000m3/giây.

Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, đến ngày 21/8 lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/giây. Theo kịch bản trên, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ theo quy trình vận hành.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để có phương án tối ưu vận hành hồ Sơn La trong thời điểm này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thu thập dữ liệu về tình hình mưa cũng như thủy văn ở Trung Quốc trong những ngày tới, đồng thời tính toán và dự báo thời điểm lũ muộn.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, với thông tin dự báo mưa ở miền Bắc có thể lên tới 300mm trong 2 ngày, chắc chắn một loạt hồ chứa thủy lợi sẽ phải xả. Trong vùng nguy hiểm lần này có khoảng 50 hồ không an toàn, chưa an toàn hoặc đang thi công, Tổng cục Thủy lợi phải có trách nhiệm rà soát tổng thể và chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, đặc biệt là những hồ chứa nhỏ.

Do ảnh hưởng của bão số 4, chắc chắn các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có mưa lớn,nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét rất cao, cần cảnh báo, di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm.

"Điều đáng lo ngại là không ai dự báo trước được các điểm sạt lở, ví như vừa qua có một gia đình ở Lai Châu, bị một bụi tre sạt từ trên đỉnh đồi xuống vào nhà, khiến người trong gia đình bị thương. Không ai nghĩ một bụi tre cũng có thể gây sạt lở. Do vậy, các địa phương phải tổ chức trực ban 24/24h, cảnh báo, di dời người dân" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, phải có những cảnh báo cho người dân ở khu vực ngầm tràn, không để những trường hợp đáng tiếc như vừa xảy ra ở Vĩnh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Không ai nghĩ một bụi tre đổ cũng có thể làm sập nhà! - Ảnh 2.

Đường đi của bão số 4.

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Bắc. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 20/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem