Theo đó, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng ta ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng chưa tập trung, vậy từ Hội nghị hôm nay, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là “cú đấm thép” của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa”.
7.500 doanh nghiệp tham gia chế biến
Dây chuyền chế biến trái cây của Công ty Long Uyên (Tiền Giang). Ảnh: Anh Thơ
Lúa gạo có 580 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp với công suất trên 10.000 tấn thóc/năm, chiếm 61,5%; rau quả có trên 150 nhà máy chế biến; cà phê có 239 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp; lĩnh vực thủy sản có 636 cơ sở chế biến; ngành chế biến gỗ có 4.500 cơ sở, mỗi năm tiêu thụ 40 triệu mét khối gỗ. |
Long An là địa phương có diện tích lúa đứng thứ 4 Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 2,7 – 2,8 triệu tấn/năm. Hiện, có trên 115 doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo với công suất chế biến và kho chứa lúa gạo thuộc loại lớn. Đối với lĩnh vực thủy sản, Long An có khoảng 26 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh.
Trong khi đó, tại tỉnh Lâm Đồng, ngành công nghiệp chế biến nông sản của Lâm Đồng đạt 3.428,75 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,91% trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 76 doanh nghiệp chế biến rau, quả, mỗi năm đưa vào chế biến được khoảng 26.575 tấn thành phẩm; 33 doanh nghiệp chế biến cà phê và trên 250 cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình.
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng khó khăn chung của Long An, Lâm Đồng khi phát triển công nghiệp chế biến nông sản là đa số các nhà máy có công suất nhỏ, sử dụng công nghệ cũ, hiệu quả chế biến chưa cao. Mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản được thực hiện chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ; nhiều cơ chế chính sách chưa thực hiện đồng bộ.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng 5 – 7%; đã có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm.
Một số lĩnh vực hàm lượng chế biến khá sâu như lúa gạo, rau quả, cà phê, thủy sản, gỗ... Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trình độ công nghệ chế biến của Việt Nam vẫn ở mức độ trung bình của thế giới, nhiều cơ sở sử dụng thiết bị cũ, lạc hậu, năng suất thấp; hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%.
“Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; khả năng chế biến một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 70% máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực/ha canh tác, thấp hơn so với Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Mục tiêu top 10 nước chế biến hiện đại
Theo dự thảo chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên. Đối với lĩnh vực cơ giới hóa, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80 - 100%.
Để đạt được những tham vọng lớn này, theo ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Group nhấn mạnh, phải có những doanh nghiệp đầu đàn, tìm thị trường, xây dựng mô hình chuyển giao để đưa nông dân vào chuỗi giá trị.
“Mỗi loại sản phẩm, mỗi vùng lại đòi hỏi công năng thiết bị khác nhau, khi làm quy mô lớn bắt buộc phải áp dụng cơ giới hóa, khi đó sẽ hạ giá thành sản xuất. Điều quan trọng nhất là phải tìm được thị trường, khi đã có địa chỉ thì người ta sẽ cho chúng ta biết nên trồng, chăm sóc như thế nào, logictics ra sao” – ông Dương nói.
Ngoài ra, ông Dương cũng kiến nghị, hệ thống ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án xây dựng vùng nguyên liệu. “Có một thực tế, các ngân hàng dường như còn e ngại giải ngân với các dự án nông nghiệp vì sợ rủi ro, tôi khẳng định, nếu làm nông nghiệp khép kín, theo chuỗi giá trị sẽ không có rủi ro mà luôn là ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Chế biến không phải là tất cả giải pháp cho ngành nông nghiệp, có những sản phẩm cần chế biến, có những sản phẩm chỉ cần bán tươi nhưng về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để từng bước tạo chuyển biến” – ông Dương khẳng định.
Trong khi đó, ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch HĐQT DOVECO khẳng định, việc xây dựng một nhà máy chế biến nông sản không quá khó, quan trọng là lãnh đạo các địa phương phải xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung và bền vững.
“Ví dụ, chúng tôi có thể xây dựng nhà máy chế biến vải, nhưng sau 2 tháng mùa vụ thì sẽ làm gì, vì vậy, việc có những vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy rất quan trọng” – ông Khuê nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công nghiệp chế biến nông sản được xác định là giải pháp căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản, trong đó chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương.
Chúng tôi sẽ lựa chọn doanh nghiệp đầu tàu về công nghệ, thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị; vận hành một cách thông suốt, hiệu quả” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.