Thủ tướng đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu 95.000 giáo viên

Tào Nga Thứ bảy, ngày 28/08/2021 12:54 PM (GMT+7)
Trước vấn đề thiếu giáo viên ở các tỉnh, thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra gợi ý: "Mầm non thiếu nhưng cấp tiểu học, trung học lại thừa giáo viên. Tỉnh nào cũng có trường sư phạm, có thể bổ sung thêm kiến thức cho giáo viên ở những nơi thừa".
Bình luận 0

Sáng nay (28/8), Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD-ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu 95.000 giáo viên cả nước - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 tại điểm cầu trung tâm. Ảnh: Giáo dục Thời đại

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: Năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh về quy mô, chất lượng. Toàn thành phố có 2.792 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh, 159.400 cán bộ, giáo viên, tăng 44 trường và gần 69.000 học sinh so với năm học 2019-2020.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nêu một số vướng mắc như quy mô giáo dục lớn, mỗi năm tăng 44 trường với 69.000 học sinh nên biên chế giáo viên lớn, một số trường học quá tải.

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An. Tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành GD-ĐT trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học.

Tương tự tại tỉnh Kon Tum, bà Y Ngọc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, việc thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.

Tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD-ĐT địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay, tỉnh còn thiếu giáo viên so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc), nhân viên y tế, bảo vệ, cấp dưỡng, thư viện, thiết bị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu 95.000 giáo viên cả nước - Ảnh 3.

Hội nghị với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối Bộ GD-ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu. Ảnh: Giáo dục Thời đại

Nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường học, giáo viên

Trước vấn đề thiếu giáo viên ở các tỉnh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra gợi ý: "Mầm non thiếu nhưng cấp tiểu học, trung học lại thừa giáo viên. Tỉnh nào cũng có trường sư phạm, có thể bổ sung thêm kiến thức cho giáo viên ở những nơi thừa. Ví dụ giáo viên tiểu học hay trung học còn dư thì có thể bồi dưỡng kiến thức về giáo dục mầm non để có thể luân chuyển từ chỗ này sang chỗ kia. Các địa phương nên nghiên cứu thêm hướng này".

Thủ tướng cho hay, Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu dựa trên đề xuất của các địa phương, đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt: "Nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên, phải có trường lớp. Mình nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên làm sao cho tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng. Bởi nguồn lực của chúng ta có hạn nên phải nghiên cứu sao cho phù hợp. Chúng ta cũng không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng".

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả, đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Hiện nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%.

Năm 2021, các địa phương sẽ cử 37.389 giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ, gồm: 9.859 giáo viên mầm non (chiếm tỉ lệ 10,96% giáo viên chưa đạt chuẩn), 17.822 giáo viên tiểu học (chiếm tỉ lệ 6,36% giáo viên chưa đạt chuẩn), 9.708 giáo viên THCS (chiếm tỉ lệ 3,86% giáo viên chưa đạt chuẩn).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem