Các chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Giáo hoàng Francis.
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Sân bay quân sự Brumil, Brussels. (Ảnh: TTXVN).
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Liên minh châu Âu và các thành viên quan trọng của thực thể kinh tế, chính trị đặc thù này là Đức, Bỉ và Italy với thông điệp: Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, rộng lớn hơn và sâu sắc hơn với Liên minh châu Âu nói chung và với từng thành viên của EU nói riêng. Điều mà dư luận trong nước và cả quốc tế đang đặc biệt quan tâm là tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU đang trong giai đoạn cán đích.
Sau chuyến thăm chính thức Liên minh châu Âu, Bỉ và Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới Milan, Italy để tham dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 10, gọi tắt là ASEM 10. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ 53 quốc gia thành viên của hai châu lục, lãnh đạo Liên minh châu Âu và Ban thư ký ASEAN.
Tham dự ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là 1 trong 3 nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại phiên họp toàn thể về các vấn đề toàn cầu, tiếp tục đóng góp các đề xuất, sáng kiến đang là mối quan tâm chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có các cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương với nhiều nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các quốc gia nhằm thắt chặt sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư…
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Roma để thăm Tòa thánh Vatican. Đây là lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ tích cực Việt Nam-Vatican.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.