Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bạc Liêu sẽ trở thành thủ phủ ngành tôm

Chúc Ly Thứ tư, ngày 31/01/2018 18:20 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018 tổ chức ngày 30.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bạc Liêu sẽ sớm trở thành thủ phủ ngành tôm Việt Nam.
Bình luận 0

Ngành tôm đứng trước cơ hội tuyệt vời

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018 tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực chính là nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; du lịch và thương mại - y tế - giáo dục chất lượng cao.

img

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc tại Bạc Liêu. Ảnh: D.V

"Với một ngành hàng, đòi hỏi đầu tiên là về thị trường, chúng ta biết nhu cầu của thị trường thê giới đối với con tôm trong những năm tới là khoảng 7 triệu tấn, trong khi hiện nay sức sản xuất của thế giới chỉ có 5 triệu tấn. Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất”.

Ông Nguyễn Xuân Cường -
Bộ trưởng Bộ NNPTNT

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Bạc Liêu với vị trí nằm cặp theo bờ biển Đông, có chiều dài bờ biển hơn 56km, gồm 3 vùng sinh thái mặn, ngọt và lợ, trong đó đất có thể nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh nên Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trực tiếp là con tôm và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân lan tỏa.

“Đến với Bạc Liêu, chúng tôi cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất và nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ, ưu đãi cao nhất trong khung quy định. Bạc Liêu cam kết sẽ cùng đồng hành phát triển lâu dài với các Nhà đầu tư, doanh nghiệp” - ông Dương Thành Trung nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc, nhận định: “Con tôm Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển lên tầm cao mới, và trong các giải pháp chiến lược, Bạc Liêu được lựa chọn trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tôm của Việt Nam”.

Cũng theo ông Tuấn, giải pháp để công nghiệp hóa ngành tôm Việt Nam có 3 nội dung chính, đó là ứng dụng công nghệ, nâng tầm đội ngũ và quản trị chuyên nghiệp. Hiện nay ngành tôm Việt Nam  rất tự hào khi đã thay đổi được bản đồ ngành tôm thế giới, khi vào năm 2015 chính thức có được dòng tôm bố mẹ của riêng mình. Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã làm chủ được công nghệ dùng vi sinh vật biển để thay thế cho bột cá, giúp cho sự tăng trưởng của tôm tốt hơn từ 25 - 45%, mà trên thế giới hiện chỉ có 3 nước sở hữu công nghệ này.

“Thời gian vừa qua, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ thành công trong nuôi tôm chỉ từ 23 - 30%. Đến nay, đã có một số các giải pháp được ứng dụng, trong đó giải pháp nhà màng với công nghệ từ Israel mà chúng ta đã tiếp nhận và ứng dụng thành công đã giúp cho tỷ lệ thành công của vụ nuôi tăng lên đáng kể” - ông Tuấn thông tin.

Đủ điều kiện phục vụ sản xuất tôm

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng tỉnh Bạc Liêu đã rất “biết người biết ta” khi lựa chọn những trụ cột phát triển rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của Việt Nam và thế giới. Trong đó, đặc biệt là lựa chọn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với mũi nhọn là phát triển ngành tôm công nghệ cao.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, về điều kiện tổ chức sản xuất và phát triển ngành hàng, toàn bộ chuỗi về giống chúng ta cơ bản đáp ứng như cầu. Mỗi năm chúng ta cần khoảng 120-150 tỷ con post, việc này chúng ta làm chủ. Còn về thức ăn, cần khoảng 1,3 - 1,5 triệu tấn, chúng ta hoàn toàn làm chủ công nghệ. Về mô hình, quy trình, công nghệ, hiện nay Việt Nam cơ bản đáp ứng cho nhu cầu trước mắt, những mô hình tiên tiến có thể đáp ứng cho nhu cầu tương lai.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tỉnh đã giới thiệu được các tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu nói riêng và của vùng ĐBSCL nói chung trong phát triển nông nghiệp, thủy sản, trọng tâm là con tôm; làm rõ các xu thế mới trong phát triển nông nghiệp hiện đại; nêu bật khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

“Để thực hiện khát vọng đó, các đồng chí đã bước đầu tạo được sự liên kết khá rõ nét giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Cộng với vị trí của Bạc Liêu ở trung tâm của vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ Việt Nam và là địa phương duy nhất có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm, tôi cho rằng nếu phát huy tốt thì trong tương lai không xa, Bạc Liêu sẽ sớm trở thành thủ phủ ngành tôm Việt Nam và sẽ có những đóng góp quan trọng cho mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam lên mức 10 tỷ USD trước năm 2025” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem