Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần một lớp nông dân mới, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần một lớp nông dân mới, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau"
Thu Hà
Thứ bảy, ngày 12/12/2020 19:12 PM (GMT+7)
"Cần phải xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng ‘con trâu đi trước, cái cày theo sau..." -Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61 và Quyết định số 673.
Chiều nay, 12/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chủ trì Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án 61 Nguyễn Phước Lộc.
Tình trạng được mùa rớt giá đã giảm đáng kể
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh liên tục diễn ra nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, Ban Dân vận T.Ư đã tham mưu, chỉ đạo Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các bộ, ngành, địa phương góp phần xây dựng hạ tầng nông thôn Việt Nam, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Trong 10 năm qua, còn nhiều khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ tập trung hết sức mình để lo đầu ra nông sản cho nông dân. Do đó, tình trạng 'được mùa rớt giá' đã giảm đáng kể. Nhiều nhà máy chế biến được xây dựng ở các vùng miền khác nhau, nâng cao hiệu quả đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất".
Bên cạnh việc tái cơ cấu lao động nông thôn từ hiệu quả hoạt động của các trung tâm dạy nghề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo luồng sinh khí mới đối với nông dân, nông thôn, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, việc thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống tổ chức chính trị-xã hội.
Trong nhiều năm liên tục, Hội Nông dân Việt Nam có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhất là nông dân; có tiếng nói đóng góp trong xây dựng Đảng, chính quyền. Các cấp Hội làm tốt vai trò tập hợp, tuyên truyền, giáo dục đối với nông dân.
"Nông nghiệp Việt Nam có bước tiến bộ rất đáng mừng. Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, bão lũ, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD là thành công lớn. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu ASEAN về sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề khoa học-công nghệ, chuyển giao thành công và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất kinh doanh như trí tuệ nhân tạo AI. Chúng ta đang chuyển sang nền nông nghiệp an toàn, gần như không còn tình trạng 'lợn hai chuồng, rau hai luống' như cách đây mấy năm. Quan trọng nhất, trình độ người nông dân Việt Nam được nâng lên" Thủ tướng khẳng định.
Làm việc thực chất, nâng cao mức sống nông dân
Để phát huy hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận số 54-KL/TW, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phát huy tinh thần làm việc thực chất, hiệu quả hơn nữa để nâng cao mức sống cho nông dân, xoá nghèo ở nông thôn, miền núi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam là trụ đỡ quan trọng, là thành trì bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Cần phải xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Từ khi hạt giống gieo xuống phải nghĩ được đầu ra, ứng phó với những biến cố bất thường của sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, khó khăn hơn, do đó, công tác chỉ đạo phải quyết liệt hơn, đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của nông dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng của toàn dân.
Các cấp Hội Nông dân Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, bản chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác của Hội. Các nguồn lực mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Hội Nông dân được sử dụng hiệu quả, nhất là trung tâm dạy nghề, hỗ trợ nông dân các địa phương...
Cần vận động các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đóng góp quá trình xây dựng tam nông phát triển nhanh, bền vững; giúp đỡ người dân làm giàu, giảm nghèo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.
"Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn mạnh về chính trị, văn hoá, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo khái quát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết: 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư đã tạo nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội Nông dân tiến hành có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các phong trào thi đua của Hội Nông dân phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Nguồn lực to lớn hỗ trợ nông dân
"Đây là những nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội Nông dân tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các phong trào thi đua của Hội Nông dân phát triển cả bề rộng và chiều sâu" - Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định.
Theo đó, các cấp Hội đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.
Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội Nông dân phát động đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện và hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 138,4% so với mục tiêu đề án).
Phong trào đã góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 (đạt 156,8% so với mục tiêu đề án). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm), đến năm 2020 ước còn dưới 3%.
Thực hiện Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, Hội NDVN đã xây dựng và triển khai Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân" (HTND) đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống Quỹ HTND được kiện toàn ở 3 cấp: T.Ư, tỉnh, huyện.
Trong 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ HTND T.Ư; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ HTND các cấp ở địa phương trên 1.980 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống Hội đến nay đạt trên 3.624 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã giúp trên 568.737 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh.
Về nhiệm vụ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở đào tạo, dạy nghề cho nông dân, đến nay 55 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 35 tỉnh, thành phố được đầu tư xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; đã có 21 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; 42 tỉnh, thành phố đã bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng: Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm. Một số địa phương công tác tuyên truyền về Đề án và Kết luận 61, Quyết định 673 chưa sâu, rộng; một nơi cấp ủy, chính quyền và sở, ngành, các cơ quan chuyên môn chưa nhận thức rõ về nội dung của Kết luận 61 và Quyết định 673. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho Quỹ HTND, bố trí biên chế sự nghiệp và tạo điều kiện cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động.
Bên cạnh đó, còn một số nội dung trong Kết luận 61 triển khai chậm như: Đề án xây dựng "Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn"; Đề án "Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn".
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong 10 năm qua và cho rằn cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 61.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… Giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của nhóm nông sản đạt 3,5%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường đạt 2 con số như xuất khẩu sang Chile tăng 3,6 lần sau 5 năm, tăng bình quân 28,9%/năm; Ấn Độ tăng 15,6 lần sau 9 năm, Hàn Quốc tăng bình quân hơn 29%/năm, Trung Quốc tăng gần 30%/năm… Bộ Công Thương sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hội ND thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy nông sản, tìm kiếm đầu ra tiêu thụ hàng hóa cho nông dân…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: T.Ư Hội NDVN ký Chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: 10 năm, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 10 triệu lao động nông thôn, với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 85%. Tuy nhiên, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đặt ra. Bộ mong muốn Hội ND phát huy tốt hơn nữa vai trò trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.