Thủ tướng nói về khởi nghiệp: “Đi rồi sẽ đến, thất bại là mẹ của thành công”
Thủ tướng nói về khởi nghiệp: “Đi rồi sẽ đến, thất bại là mẹ của thành công”
Trần Hòe
Thứ bảy, ngày 25/03/2023 13:15 PM (GMT+7)
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 diễn ra tại TP Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắn nhủ rằng khởi nghiệp “đi rồi sẽ đến, làm rồi sẽ có hiệu quả, thất bại là mẹ của thành công”.
Ngày 25-26/3/2023, tại TP Huế, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 (SV_STARTUP 2023). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là hoạt động thường niên được Bộ GDĐT phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau 4 lần tổ chức, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2.500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngoài ra, còn có hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng đã đươc tổ chức. Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 sở GDĐT, hơn 400 trường đại học, 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp 5 năm qua được duy trì ở mức cao.
Điểm nhấn của SV_STARTUP lần thứ V là cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" được tổ chức trên quy mô toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng 710 triệu đồng. Đây là cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 12 - 24 đang học tại các trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước.
Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022. Ban tổ chức đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội.
Từ 508 dự án, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Mỗi lĩnh vực sẽ có 3 dự án tiêu biểu được tham gia thuyết trình tại Ngày hội khởi nghiệp. Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.
Không chỉ là điểm khởi đầu dành cho học sinh, sinh viên muốn hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của mình, SV_STARTUP lần thứ V còn là nơi kết nối giữa nhà trường, các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, các quỹ khởi nghiệp, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hàng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học, chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Trong gần 5 năm thực hiện, Đề án 1665 đã thu hút được gần 2.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, nhiều dự án đã đoạt giải thưởng và được thương mại hóa như dự án nước súc miệng "TX Green Nano để phòng, chống bệnh răng miệng học đường" , dự án máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động đã đi vào sản xuất và xuất khẩu … Đến nay đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, gần 100 trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học. Nhiều cơ sở đào tạo có quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, có 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học.
Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Đặc biệt, Vòng Chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm nay có 80 dự án xuất sắc được lựa chọn. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thành công bước đầu rất đáng trân trọng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã gợi ý một số nội dung để các bộ ngành, địa phương, các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện, như: Tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo...
"Tôi mong các cháu luôn cố gắng học tập, rèn luyện tốt; có niềm tin, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; có đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp; luôn kiên trì, dám dấn thân; đoàn kết, mạnh dạn, sáng tạo để ấp ủ ước mơ và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp. Đi rồi sẽ đến, làm rồi sẽ có hiệu quả, thất bại là mẹ của thành công. Phải kiên trì, bản lĩnh, khát vọng. Có khát vọng, đam mê thì sẽ có khởi nghiệp, có thành công, tạo ra những giá trị mới, làm giàu bằng sức lực, trí tuệ, văn hóa, đạo đức của mình thông qua khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.