Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tự hào với thành công của Việt Nam
Là một hoạt động chủ chốt trong chương trình Xuân Quê hương 2023, chiều qua 15/1 diễn ra cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại diện kiều bào về quê ăn Tết. Đại diện kiều bào đã chia sẻ nhiều suy nghĩ và nguyện vọng của họ với người đứng đầu Chính phủ trước thềm năm mới, sau một thời gian dài đầy khó khăn và biến động với cả Việt Nam và thế giới.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu cho biết: Sau 6 năm thành lập, Liên hiệp làm tốt các công tác vận động cộng đồng, giao lưu, từ thiện, có nhiều hoạt động cộng đồng, nâng cao vị thế của cộng đồng ở các nước sở tại, đưa hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với sở tại. Ông bày tỏ mong muốn cộng đồng có thể đóng góp thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như Thủ tướng đã nói: Khoa học công nghệ, xuất khẩu Việt Nam sang Châu Âu, phát triển kinh tế bền vững…
"Sau 30 năm định cư nước ngoài, chúng tôi vui mừng, tự hào với thành công của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, kinh tế phát triển. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng với cộng đồng người Việt ở nước ngoài" – ông nói.
Bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), nguyên Giám đốc điều hành cơ chế COVAX , quốc tịch Pháp và có bố là người Việt, đã có những chia sẻ sâu sắc. Bà nói rằng đây là dịp nhìn lại những giá trị Việt Nam mà bà tin rằng giá trị này giúp thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới. "Cảm ơn cha tôi, ông đã trao cho tôi di sản là người Việt Nam. Ông dạy cho tôi rằng cùng nhau đoàn kết, cộng đồng sẽ mạnh hơn. Cũng chính óc hài hước rất Việt Nam giúp chúng tôi vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, niềm tin vào giá trị gia đình cũng giúp chúng tôi vượt qua khó khăn đó" – bà phát biểu tại cuộc gặp.
"Tôi đã theo dõi với lòng tự hào lớn, chứng kiến Việt Nam quê hương tôi vượt qua Covid thành công như thế nào. Việt Nam trở thành ví dụ làm thế nào thực hiện được một chiến dịch y tế công cộng lớn như vậy".
Đã tận mắt chứng kiến sự kinh hoàng của Covid những năm 2020 – 2021 ở Châu Âu, bà cho rằng Chính phủ Việt Nam xứng đáng được ca ngợi vì hết mình duy trì sự an toàn cho cộng đồng.
Chương trình COVAX do bà lãnh đạo đã kề vai sát cánh với Việt Nam suốt đại dịch và đã cung ứng 70 triệu liều vaccine, tủ đông và viện trợ tài chính cho các nỗ lực tiêm chủng. GAVI hiện nay cũng giúp củng cố hệ thống tiêm chủng cơ bản để phục hồi và mở rộng sau đại dịch và bà mong đợi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam đảm bảo vaccine phục hồi và phát triển kinh tế.
Bà Trần Tuệ Tri – Việt kiều Singapore, chia sẻ về sự tự hào khi Việt Nam được coi là "con hổ Châu Á", là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á. Là người từ lâu dành tâm huyết tìm hiểu về thương hiệu quốc gia và những bài học thế giới thành công với thương hiệu quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Israel, bà mong muốn góp phần chia sẻ về vấn đề này và cho rằng đây là thời khắc vàng để nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam. Khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm, giá trị của con người Việt Nam được nâng tầm – bà nói, người Việt Nam luôn được trân trọng vì lịch sử hào hùng.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở Ukraine Nguyễn Văn Hoan – cho biết, trong những khó khăn do chiến sự ở Ukraine, bà con người Việt ở các nước Châu Âu, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở các nước Châu Âu đã hết lòng giúp đỡ, lo chỗ ăn ở cho bà con, các cơ quan đại diện đã giúp sơ tán 7.000 người Việt từ Ukraine mà không ai thiệt mạng, nhà nước đã tổ chức các chuyến bay miễn phí đưa bà con về nước.
Ông kiến nghị đại sứ quán, các hội đoàn và chính quyền trong nước hỗ trợ giấy tờ cho những kiều bào từ Ukraine sang Châu Âu đã 1 năm nhưng chưa có giấy tờ, công ăn việc làm và những kiều bào về nước, nhất là các cháu học sinh không đủ giấy tờ đi học.
Ông cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đại sứ quán hỗ trợ khoảng 500 người Việt hiện đang ở Ukraine khi tình hình xấu đi.
Việt Nam đang đi đúng hướng
Lắng nghe những tâm tư của các đại diện kiều bào, Thủ tướng gửi lời cảm ơn 128 đồng bào Việt Nam ở nước ngoài từ 30 quốc gia, đại diện cho hàng triệu kiều bào, đã bớt thời gian về với quê hương đất tổ trong dịp Tết. Thủ tướng cho biết ông rất xúc động với các ý kiến hết sức trách nhiệm với quê hương đất nước, trong đó mang một khát vọng cháy bỏng muốn cống hiến cho quê hương đất nước.
Nhấn mạnh tinh thần đoàn kết của dân tộc, Thủ tướng nói: "Mỗi khi gặp khó khăn trắc trở, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc được dâng lên. Trong các câu chuyện dân gian đều phản ánh sức mạnh của dân tộc chúng ta, câu chuyện Thánh Gióng, Âu Cơ thể hiện tinh thần con cháu một nhà, câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh là tinh thần chống lại thiên nhiên, chuyện Trọng Thủy Mỵ Nương phản ánh tinh thần cảnh giác, câu chuyện Thạch Sanh là về đạo đức…"
Nhắc lại những chặng đường lịch sử đầy gian khổ và hào hùng của Việt Nam, từ khi giành độc lập đến kháng chiến 9 năm, kháng chiến chống Mỹ, các cuộc chiến biên giới, Thủ tướng nói về tinh thần dân tộc, sức mạnh dân tộc luôn khiến người Việt trong và ngoài nước tự hào.
"Chúng ta giành độc lập, đánh đuổi thực dân, đánh đuổi đế quốc thực dân mới bằng chính sức mạnh dân tộc của chúng ta, giúp Campuchia thoát chế độ diệt chủng cũng bằng sức mạnh dân tộc chúng ta, chống choi 10 năm bao vây cấm vận cũng bằng sức mạnh dân tộc của chúng ta… Như Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chúng ta có quyền tự hào với truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam về chiến sự Nga - Ukraine đã được thể hiện rõ ràng và được chia sẻ thẳng thắn với cộng đồng quốc tế. Cả Nga và Ukraine đều là những nước bạn bè tình nghĩa với Việt Nam. Đồng thời, trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên người Việt Nam rất thấu hiểu giá trị của hòa bình, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.
Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực thoát nghèo sau chiến tranh. Từ năm 1986, chúng ta tiến hành đổi mới dựa trên 3 trụ cột: Xóa quan liêu, bao cấp; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu; và hội nhập quốc tế. Chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (phát huy tối đa nguồn lực con người, tinh thần đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại); xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia xây dựng, thực hiện chính sách); xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết). Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đã vượt qua nghèo đói để trở thành một nền kinh tế năng động. Năm 1986, GDP của Việt Nam là 4 tỉ USD, bình quân đầu người hơn 100USD.
Sau 30 năm đổi mới, GDP đạt 410 tỉ USD, gấp 100 lần, bình quân đầu người 4.100 USD, gấp 110 lần, đó cũng là thành tựu đạt được bằng sức mạnh của dân tộc chúng ta. Tất cả những thành tựu đó góp phần xây dựng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế tôn trọng, khiến người Việt tự hào là con Rồng cháu Tiên, tự hào là người Việt Nam.
"Đến nay có thể thấy chúng ta đi đúng hướng, ai cũng phải tôn trọng, hợp tác với Việt Nam. Tôi đi các hội nghị đa phương, chúng ta có thể ngẩng cao đầu trao đổi với bất kỳ ai bất kỳ vấn đề nào trên thế giới. Tôi sẵn sàng trao đổi về nhân quyền, nhân quyền là kinh tế, văn hóa, độc lập tự do, nhân dân ấm no hạnh phúc, được thể hiện chính kiến qua cơ chế, thể hiện hành động bằng luật pháp, hưởng thụ mọi thành quả đất nước một cách chính đáng…" – Thủ tướng nói. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực vị thế như ngày nay…"
Trái tim hướng về đất nước
Sau khi khơi gợi những giá trị sức mạnh của Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc giáo dục giá trị đó, dạy tiếng Việt cho con em Việt Nam. Thủ tướng cho rằng người Việt có thể sống bất kỳ đâu thuận lợi, chúng ta hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự lựa chọn của người dân, nhưng ở đâu cũng có thể hướng về đất nước: "Có thể giúp Việt Nam bằng nhiều hình thức, nghĩ về việt Nam, tự hào Việt Nam cũng là giúp Việt Nam rồi. Bây giờ thế giới phẳng, sống ở đâu cũng có thể đóng góp cho đất nước".
Thủ tướng lưu ý, chúng ta đang đứng trước 3 biến: Biến động thị trường, biến đổi khí hậu, biến động tiêu dùng; vì vậy Thủ tướng mong người dân cả trong và nước đoàn kết để vượt qua khó khăn.
"Mong các anh chị sống ở nước ngoài được bình yên hạnh phúc, được thể hiện những gì mình muốn trong khả năng cao nhất có thể, để đưa Việt Nam ra thế giới và thế giới gần hơn với Việt Nam. Xây dựng đất nước hùng cường, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền, đất nước độc lập tự do, nhân dân ấm no hạnh phúc, đó là mong muốn cao nhất của Đảng và nhà nước. Mong các anh chị dù ở đâu trên trái đất này, trái tim luôn hướng về đất nước" – Thủ tướng nói và đọc câu ca dao "Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều".
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ thấu hiểu tấm lòng bà con và sẽ tiếp thu kiến nghị của bà con để chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý, nhằm tạo tạo thuận lợi cho bà con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.