Thủ tướng yêu cầu thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND đứng đầu

PVCT Thứ hai, ngày 23/08/2021 19:47 PM (GMT+7)
Trong công điện chỉ đạo phòng chống dịch gửi lãnh đạo các tỉnh, thành, bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài" chống dịch

Công điện gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND đứng đầu - Ảnh 1.

Ngày 23/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cùng các đại biểu động viên cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y trước giờ lên máy bay vào chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Quốc phòng.

Nội dung công điện của Thủ tướng nêu rõ: Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; trong đó đặc biệt lưu ý một số nội dung sau đây:

Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (như TP.HCM, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.

Thủ tướng yêu cầu thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND đứng đầu - Ảnh 2.

Lực lượng bộ đội trao rau củ quả cho người dân ở trọ tại hẻm 175 đường Đình Phong Phú (phường Tăng NHơn Phú B, TP.Thủ Đức). Ảnh: Quang Phương.

Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo chống dịch

Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.

Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; công tác phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem