Thua lỗ liên lục, nông dân mướn cả máy cày nhổ cây thanh long, nhưng sau đó trồng cây gì đây?

Trần Khánh Chủ nhật, ngày 01/05/2022 06:41 AM (GMT+7)
Đầu tư nhiều song thua lỗ liên tục, nhiều nhà vườn phải ngậm ngùi chặt bỏ thanh long. Trồng hay chặt là quyền của nông dân, nhưng trồng cây gì trên diện tích thanh long đã chặt bỏ thì nhiều bà con vẫn chưa có câu trả lời.
Bình luận 0

Để vòng luẩn quẩn trồng - chặt không lặp đi lặp lại, nông dân đang rất cần sự định hướng của ngành chức năng.

Người trồng thanh long điêu đứng vì thua lỗ

Năm 1991, tỉnh Thuận Hải được chia tách thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Lúc này, cây thanh long đã phát triển mạnh ở vùng Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), chủ yếu là hàng mùa.

Đến khi mô hình thanh long chong đèn thịnh hành, diện tích trồng loại cây này ngày càng tăng mạnh, Bình Thuận trở thành thủ phủ thanh long của cả nước. Dần dần, diện tích thanh long mở rộng ra các tỉnh Long An, Tiền Giang và nhiều địa phương khác từ Nam ra Bắc.

Do diện tích trồng thanh long tăng liên tục nên từ năm 2014, thanh long bắt đầu có xu hướng mất giá theo từng đợt, chủ yếu vào cao điểm hàng mùa. Còn thanh long hàng chong đèn vẫn có giá tốt.

gop/ Loay hoay tìm lối đi cho cây thanh long - Ảnh 1.

Nông dân huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) mướn máy cày nhổ bỏ trụ thanh long. Trần Khánh

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên nóng vội phá bỏ vườn.

"Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân giải pháp chăm sóc phù hợp để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, Sở NNPTNT phối hợp Sở Công Thương theo dõi, dự báo thị trường kịp thời để giúp nông dân có kế hoạch sản xuất phù hợp"- ông Tấn cho biết.

Đặc biệt là 2 năm nay, nhất là vụ chong đèn vừa qua, nông dân trồng thanh long ở các tỉnh trọng điểm gặp nhiều khó khăn do giá bán xuống thấp, thậm chí không tiêu thụ được.

Bà Trần Thị Tám trồng thanh long ở xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) kể, 1 năm nay, gần như bà không thu hoạch được gì. 2 lứa thanh long gần đây nhất, bà không thu được đồng nào để bù lại hơn 60 triệu đồng tiền điện đã chong đèn.

"Trồng nhưng không bán được, bất mãn quá nông dân mới phải mướn xe nhổ đi cả trụ thanh long" - bà Tám nói.

Ông Huỳnh Anh Ty (ở xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) cũng không nghĩ rằng có lúc mình phải tự tay nhổ bỏ hơn 1.000 trụ thanh long. Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN, ông Ty cho biết gia đình gắn bó với thanh long đã hơn 10 năm. 

Từ tết đến nay, ông đã làm 4 lứa thanh long chong đèn, tốn 130 triệu đồng, nhưng không có lời. So với những nông dân khác phải thuê mướn, ông Ty có sẵn máy cày để phá bỏ trụ thanh long.

Đặt mình ở vị trí người tiêu dùng

"Đã có nhiều phản hồi về trái thanh long ruột trắng đang bị chua. Đó là hệ quả của việc nông dân bón phân để kích thích cho vỏ trái căng bóng. 2-3 ngày sau, nông dân phải vội vàng cắt bán vì để lâu sẽ bị nứt vỏ. Như thế trái thanh long có mẫu mã đẹp nhưng độ ngọt không đạt chuẩn.

Không phải cứ cân ký bán xong là hết trách nhiệm, chính nông dân phải đặt mình ở vị trí người tiêu dùng. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất, chính nông dân đang đánh mất giá trị và thương hiệu thanh long của mình".

Kỹ sư Trần Minh Tân - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận

Cải thiện chất lượng, thương hiệu

"Không phải đến đại dịch Covid-19, cung vượt cầu quá lớn đã làm giá thanh long sụt giảm. Nông dân không thể cứ lấy sản lượng bù đắp cho thu nhập mãi được. Khi nền kinh tế ngày càng chịu tác động toàn cầu, thị trường biến động có khi còn thường xuyên hơn.

Trồng thanh long lúc này không chỉ là làm nông nữa mà phải tư duy về lợi ích kinh tế của thanh long. Nông dân cần tính toán việc sản xuất hiệu quả hơn.

Tiềm năng với thanh long vẫn còn. Chúng ta có nhiều cách cải thiện chất lượng, thương hiệu. Đây là vấn đề lớn, cần sự chung tay của nhiều phía".

Thạc sỹ Võ Tòng Anh - cố vấn cấp cao Công ty CP Phân bón Miền Nam

Còn ở xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành, Long An), ông Nguyễn Ngọc Ẩn cũng chưa bao giờ thấy giá thanh long xuống thấp suốt thời gian dài như vậy. 

Ông Ẩn kể, ngày trước, trồng 1 trụ thanh long tốn hết 50.000-60.000 đồng; lại thêm 12.000 đồng tiền công. Nay nhổ trụ, bán lại cây thanh long chỉ còn giá 10.000-20.000 đồng; thậm chí có người không bán được.

"Tôi cũng vừa phá bỏ xong 400 gốc thanh long. Nhiều nhà vườn khác không mặn mà chăm sóc; vườn thanh long đang còi cọc, chết dần"- ông Ẩn nói.

Thận trọng khi chặt bỏ thanh long

Huyện Châu Thành là vùng trồng thanh long lớn ở tỉnh Long An với khoảng 8.600ha. Thế nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích thanh long tại đây đã giảm gần 500ha. 

 Trong số đó, có 300ha là thanh long già cỗi nên người trồng đốn bỏ; 200ha còn lại là nông dân chặt bỏ để trồng cây khác. Toàn tỉnh Long An có khoảng 1.000ha đã không còn tiếp tục trồng thanh long như trước.

Đáng lo ngại là chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, người trồng thanh long ở Bình Thuận cũng đã phá bỏ hơn 936ha thanh long, nâng tổng diện tích bị phá bỏ từ năm 2021 đến nay lên hơn 2.400ha.

Diện tích trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc sụt giảm mạnh nhất, khoảng 1.500ha. Trong đó, có hơn 1.000ha bị chặt bỏ, hơn 486ha đã chuyển đổi cây trồng.

Ông Huỳnh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận cho biết, với vườn thanh long đã già cỗi, cần thiết phải phá bỏ. Tuy nhiên, chặt bỏ thanh long để trồng cây mới thì nông dân phải tìm hiểu kỹ thị trường, khả năng đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ cũng như giá thành.

Việc chặt bỏ hay giữ lại vườn thanh long vẫn là quyết định của người trồng. Dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành nghề, nhiều mặt hàng nông sản. "Trong khi thanh long vẫn có lợi thế cạnh tranh nếu thay đổi phương thức canh tác" - ông Cảnh nói.

Thạc sỹ Lê Công Hoàng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận kể, trước đây, chính quyền không cho nông dân trồng thanh long trên ruộng lúa. Thế nhưng, nhiều người vẫn lén lút xuống ruộng trồng thanh long vào ban đêm. 

Bài học với cây thanh long cũng giống với cây hồ tiêu khi diện tích gia tăng ồ ạt. Còn nhớ, hồi năm 2000-2002, ông Hoàng từng phải cắt trái thanh long, chở thẳng tới vựa bán chỉ 200 đồng/kg...

Nông dân trồng thanh long hầu hết là bán trái tươi. Chỉ khi thị trường thuận lợi thì sản xuất mới thuận lợi, trong khi dịch Covid-19 khó đoán định. Tiết kiệm chi phí sản xuất là giải pháp cần thiết lúc này vì nhiều nông dân đang rất thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Đơn cử, nhiều người đang bón phân NPK quá nhiều, từ 600gr-1kg cho mỗi trụ thanh long ở mỗi pha chong đèn. Trong khi, nhu cầu bình thường chỉ cần 400gr là đủ. "Giảm chi phí đầu vào để tăng hiệu quả đầu ra. Nông dân phải chấp nhận đối diện khó khăn để tính lại bài toán kinh tế của mình" - ThS Hoàng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem