Thừa Thiên - Huế: Ngư dân coi thường tính mạng

Thứ tư, ngày 06/04/2011 16:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất chấp thời tiết nguy hiểm, nhiều ngư dân ở Thừa Thiên - Huế vẫn dong thuyền ra khơi đánh bắt gần bờ. Hậu quả là nhiều tàu thuyền bị nạn trên biển và số người thiệt mạng vì tình trạng này ngày càng tăng.
Bình luận 0

Những cái chết đau lòng

Xã Phú Diên, huyện Phú Vang là một trong những địa phương có nhiều thuyền đánh bắt gần bờ (còn gọi là thuyền bãi ngang) gặp nạn trên biển vì liều ra khơi trong thời tiết nguy hiểm.

img
Anh Nguyễn Duân - người sống sót duy nhất sau khi thuyền đánh cá TTH- 40498 liều ra khơi dẫn đến tai nạn kinh hoàng.

Ngày 19.3 vừa qua, biển động mạnh vì áp thấp nhiệt đới, nhưng thuyền đánh cá TTH 40559 của anh Hà Công Tấn (thôn Mỹ Khánh) vẫn ra biển đánh cá. Ngoài anh Tấn, trên thuyền còn có 4 ngư dân cùng ở thôn Mỹ Khánh là Nguyễn Văn Liêu, Trương Công Thọ, Trương Công Vĩnh và Nguyễn Phước.

Do biển động mạnh, nên vừa ra cách bờ khoảng 600m thì thuyền của anh Tấn bị sóng dập xoay như chong chóng rồi lật úp trước khi chìm hẳn. Vụ tai nạn khiến anh Tấn thiệt mạng, 4 ngư dân còn lại may mắn bơi được vào bờ, nhưng đều bị đa chấn thương.

Tình trạng bị tai nạn vì liều ra khơi như các ngư dân trên thuyền TTH 40559 xảy ra ngày càng nhiều ở xã Phú Diên.

Trong số những vụ tai nạn này, kinh hoàng nhất là vụ tai nạn của thuyền đánh cá TTH- 40498 của ngư dân thôn Phương Diên vào giữa tháng 12.2010. Khi đó, mặc dù trên biển gió giật cấp 11, biển động dữ dội, nhưng thuyền cá TTH- 40498 gồm 5 ngư dân vẫn ra khơi.

Hậu quả là thuyền cá này đã bị sóng biển đánh vỡ nát tại vùng biển Chân Mây chỉ sau một thời gian ngắn xuất phát. Vụ tai nạn khiến 4/5 ngư dân trên thuyền là Nguyễn Thanh Câu, Trần Nô, Hồ Chạy và Trần Chương thiệt mạng, còn anh Nguyễn Duân may mắn dạt vào bờ nên được cứu sống.

Không chỉ xã Phú Diên, tình trạng tai nạn do liều ra khơi của các thuyền đánh cá gần bờ ở các xã Vinh Xuân, Vinh An, Phú Hải, Phú Thuận, thị trấn Thuận An… của huyện Phú Vang ngày càng gia tăng. Tỷ lệ thuận với số vụ phương tiện gặp nạn vì liều là số ngư dân thiệt mạng hoặc bị thương.

Theo ngư dân đánh bắt gần bờ ở các địa phương, sở dĩ họ đua nhau ra biển đánh bắt khi có sóng lớn là vì thời điểm này đánh được nhiều hải sản hơn ngày thường.

Chính quyền "kêu” khó quản lý

Ông Phạm Tăng Đoàn- Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, toàn xã có 156 thuyền đánh bắt gần bờ công suất từ 12-24 CV. Khi có thông tin thời tiết nguy hiểm, xã kết hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tiến hành cảnh báo và huy động lực lượng ngăn không cho các thuyền ra khơi, xử phạt những chủ phương tiện không chấp hành. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân thiệt mạng do liều ra khơi trên địa bàn vẫn thường xảy ra.

"Việc quản lý các thuyền đánh bắt gần bờ rất khó vì lượng phương tiện này lớn, lại nằm rải rác nên địa phương không thể kiểm soát hết"- ông Đoàn nói.

Theo thượng tá Nguyễn Xuân Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, các thuyền đánh bắt gần bờ trước đây do các đồn biên phòng quản lý, nhưng sau đó được giao về cho các địa phương, lực lượng biên phòng chỉ kiểm tra đột xuất.

Trước tình trạng gia tăng tai nạn của các thuyền do liều ra khơi, lực lượng biên phòng đã tăng cường công tác giáo dục, cảnh báo cho ngư dân, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do tinh thần tự giác của ngư dân kém.

Trao đổi với NTNN, ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để ngăn chặn tình trạng các thuyền đánh bắt gần bờ liều ra khơi dẫn đến chết người khi thời tiết nguy hiểm, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và trang bị phương tiện tự ứng cứu cho ngư dân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem