Thừa Thiên - Huế sau bão số 5: Nhà trơ nóc, nước lũ cuồn cuộn

Ngọc Phạm - Lê Công Bằng Thứ sáu, ngày 18/09/2020 18:58 PM (GMT+7)
Các lực lượng chức năng và người dân Thừa Thiên - Huế đang chung tay khắc phục những hậu quả do bão số 5 để lại.
Bình luận 0

Clip người dân cùng lực lượng chức năng giải thoát một chiếc ô tô bị cây gãy đổ đè lên.

Sau khi bị bão số 5 càn quét với sức gió giật cấp 11, các tuyến đường ở trung tâm thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Cao Vân, Hoàng Hoa Thám, Tố Hữu, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Ngô Quyền, Bến Nghé,... đã có rất nhiều cây xanh đã bị ngã đổ. Nhiều cây lớn và cây cổ thụ gãy đổ ra đường đã cản trở đến việc di chuyển của người dân cũng như an toàn giao thông.

Ngay khi bão vừa dứt, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các lực lượng thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an thành phố Huế và Trung tâm công viên cây xanh Huế và nhiều người dân địa phương đã chung tay thu dọn cây xanh ngã đổ, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng.

img

Căn nhà của một người dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang trơ nóc sau bão.

Có mặt tại hiện trường một cây xanh cổ thụ với đường kính khoảng 2m đang bị ngã đổ chắn ngang đường Lê Lợi, đại tá Lê Văn Vũ - Phó Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các lực lượng có liên quan nhanh chóng cắt tỉa cành, giải phóng mặt đường do cây cổ thụ chắn ngang. Sau 15 phút, khu vực này đã được lưu thông.

img

Cây xanh gãy đổ đè vào cửa kính của một căn nhà ở thành phố Huế khiến lớp kính vỡ nát.

Còn ở khu vực gần biển như tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), sóng lớn đã làm khoảng 2km bờ biển qua địa bàn thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3 bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 5 - 10m, đe dọa trực tiếp đến nhà cửa của 64 hộ dân khu vực này.

Tại khu vực đầu múi kè đã thi công, liên tục có sóng lớn và triều cường dữ dội làm nhiều doi cát ở khu vực này bị sạt. Tình trạng sạt lở chưa dừng hẳn mà ăn sâu vào chân khu vực rừng dương phía trong. Ngoài ra, gió lớn cũng là nhiều nhà dân ở khu vực Phú Thuận bị tốc mái.

img

Một trạm biến áp ở thị trấn Thuận An bị đổ sập.

Thống kê bước đầu cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 1 người chết ở xã Phong Thu (huyện Phong Điền) do bị cây gãy đè và 23 người bị thương (trong đó 2 người bị thương nặng); 1.664 nhà bị tốc mái, tập trung nhiều nhất ở thị xã Hương Thủy với 1.459 nhà, huyện Phong Điền là 60 nhà; có 3 nhà tại huyện Phú Lộc bị sập hoàn toàn.

Nặng nề nhất là tại thị xã Hương Thủy khi có 1.459/1.664 ngôi nhà trên toàn tỉnh bị tốc mái. Chưa kể, địa phương này có 10 người nhập viện, nhiều trụ điện và hàng trăm cây xanh bị gãy đổ.

img

Nước lũ dâng nhanh trên địa bàn xã Hương Xuân và Thượng Nhật ở huyện Nam Đông.

Riêng tại huyện A Lưới có 44 hộ dân bị chia cắt do đập tràn nước dâng. Địa bàn huyện Nam Đông cũng tương tự, mưa lớn cộng với việc xã lũ của thủy điện Thượng Lộ và Thượng Nhật khiến mực nước ở các sông, suối tăng báo động.

Hiện nay, tại nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các lực lượng liên quan đang đẩy nhanh giải phóng cây xanh để thông đường sớm nhất.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem