Thực hiện đoàn kết trong Đảng và toàn dân tộc

Thứ sáu, ngày 14/01/2011 07:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 13-1, các đại biểu đã tham gia phiên thảo luận tại hội trường với nhiều đóng góp đầy tâm huyết về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội.
Bình luận 0

Nội dung thảo luận là báo cáo: "Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2001-2010, những bài học rút ra về thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020".

img
Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu thảo luận.

Phát huy phương thức "Đảng phân công"

Đại biểu Võ Hồng Phúc- Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã nhận xét thẳng thắn về những điểm còn tồn tại của nền kinh tế sau 20 năm đổi mới.

Ông Phúc cho biết, mặc dù đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng phát triển chậm, thiếu đồng bộ đang cản trở sự phát triển; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế…

Một trong những điều tâm huyết mà Bộ trưởng Võ Hồng Phúc muốn gửi gắm tới đại hội chính là việc làm sao thực hiện đoàn kết thật sự trong nội bộ Đảng. Theo Bộ trưởng, muốn thực hiện được đầy đủ Nghị quyết Đại hội XI thì trong nội bộ Đảng, từ cơ sở đến T.Ư… phải là một thể thống nhất trong tư tưởng, chỉ đạo điều hành và hành động.

"Muốn có đoàn kết phải có đấu tranh, phê bình. Tôi nghĩ rằng trong Đảng chúng ta, nếu mỗi đảng viên khi xác định đúng vị trí của mình và chịu sự phân công của Đảng thì sẽ toàn tâm toàn ý với Đảng hơn nhiều. Bản thân tôi cũng thu được một số thành tựu nhất định trên cương vị của mình cũng là nhờ thấm nhuần 3 chữ: Đảng phân công" - đại biểu Võ Hồng Phúc nói.

Coi phát triển nền kinh tế tri thức là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, đại biểu Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất một số giải pháp cụ thể, bao gồm khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia; tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, coi đây là đầu tàu phát triển KHCN của cả nước; Nhà nước thực sự đóng vai trò "bà đỡ" cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học; thực hiện một chiến lược phát triển khoa học phù hợp với năng lực nội sinh; thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học-công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào VN…

8 giải pháp nâng cao chất lượng môi trường

Theo đại biểu Huỳnh Đảm, một trong những điều kiện để đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống đó là Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" một cách thiết thực, đi vào chiều sâu; ngăn chặn suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, Đảng viên".

Về vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đại biểu Phạm Khôi Nguyên - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TN & MT nhận định: "Những năm qua đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu KT-XH quan trọng nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề suy thoái môi trường gay gắt và biến đổi khí hậu khôn lường.

Tình trạng suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu mà nước ta là một trong số ít nước chịu tác động nặng nhất, có thể sẽ là những biến số lớn trong tiến trình phát triển của đất nước trong những thập niên tới".

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã đề xuất 8 giải pháp để xử lý. Trong đó đáng chú ý là việc đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa, chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về "bao cấp", "xin - cho", nặng về kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng Bộ luật Môi trường; Nâng cao hơn nữa nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững; cần xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường.

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống, đại biểu Huỳnh Đảm - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng một trong những đòi hỏi không thể thiếu là "phải tiếp tục tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường, mở rộng và phát huy vai trò của MTTQ VN, các đoàn thể nhân dân trong thời kỳ mới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem