Vừa qua, Tổng cục Hải quan thống kê lượng ô tô nguyên chiếc các loại xuất xứ từ Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam đạt gần 4.800 chiếc trong khoảng thời gian từ đầu năm nay đến ngày 15/3. Con số này nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái 3,3 lần.
Đáng chú ý là mức giá bình quân khai báo hải quan của những loại ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ này chỉ gần 3.798 USD/chiếc, tương đương 86 triệu đồng. Đây là giá khi chưa tính các loại thuế và phí khi bán ra thị trường. Chi tiết này góp phần khiến dư luận xôn xao vì "xe ô tô Ấn Độ giá quá rẻ".
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ: "ô tô Ấn Độ" và "ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ" là những khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Từ trước đến nay, hầu như ai cũng biết đến dòng xe Tata Nano. Đây chính là sản phẩm ô tô do Ấn Độ tự tay sản xuất, có giá bán tại nước này chỉ khoảng 2.500 USD/chiếc (tương đương 100 triệu đồng) và được mệnh danh "ô tô rẻ nhất thế giới". Tất nhiên để có mức giá hấp dẫn như vậy, nhà sản xuất phải tinh giản chi phí hết mức, khiến cho xe chỉ còn 1 gương chiếu hậu, không có máy lạnh, cabin hẹp, ngồi không thoải mái...
Trong khi đó, "ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ" mang ý nghĩa rộng hơn, bao gồm cả những dòng xe thuộc các nhãn hiệu lớn từ Hàn Quốc hay Nhật Bản, thậm chí châu Âu, được lắp ráp ở Ấn Độ. Ngoài yếu tố nội địa hóa, những dòng xe này vẫn tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cao và đương nhiên giá bán không thể quá rẻ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, gần như toàn bộ ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam thời gian qua là các dòng xe đô thị của thương hiệu Hàn Quốc, chứ không phải "ô tô Ấn Độ" của Tata. Đó là lý do vì sao hầu hết người tiêu dùng Việt khi có trong tay khoảng 300-400 triệu đồng đều lựa chọn chúng. Bản thân xe Tata từng thử vào Việt Nam từ cách đây 4 năm và đã bị quay lưng, nên không thể có khả năng trở lại.
"Ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ" cũng có nhiều loại, từ phiên bản cao cấp trang bị đầy đủ cho đến bản cơ sở chỉ gồm những tính năng thiết yếu nhất. Trên thế giới, các hãng xe có dòng sản phẩm ô tô đô thị (hạng A, hạng B) đều luôn dành ra một vài bản thấp cấp, cắt giảm hầu hết option xa xỉ, để bán cho những doanh nghiệp dịch vụ vận tải. Ở Việt Nam, trường hợp phổ biến nhất là chiếc Vios phiên bản Limo được các công ty taxi ưa chuộng.
Trong trường hợp những phiên bản xe nhập từ Ấn Độ lược bỏ bớt phụ kiện hay tiện ích, giá bán ra của chúng còn được tính theo dạng buôn sỉ nên càng rẻ. Thế nên mới có chuyện chúng kéo tụt mức giá bình quân khai báo hải quan xuống còn khoảng 86 triệu đồng. Ngoài ra, những yếu tố đảm bảo chất lượng như khung vỏ, túi khí an toàn... đều không bị ảnh hưởng mấy.
Xu hướng người Việt vẫn thích những dòng xe hiện đại, chất lượng tốt, tiện nghi và độ an toàn cao, giá bán chỉ là một phần của bài toán. Ô tô Trung Quốc đã "chết yểu" vì chỉ đáp ứng được duy nhất yếu tố giá rẻ, nhưng ô tô nhập khẩu Ấn Độ về bản chất không phải như vậy nên không thể so sánh chúng với nhau.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, từng chia sẻ rằng số phận những mẫu xe Ấn Độ tự sản xuất (điển hình như Tata Nano) có thể sẽ như xe Trung Quốc, và thực tế đã chứng minh. Còn đối với những thương hiệu xe toàn cầu chỉ dùng Ấn Độ làm nơi mở nhà máy sản xuất, lắp ráp theo công nghệ của chính họ như Suzuki (liên doanh với Maruti), Hyundai, Honda… thì vẫn sống khỏe.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng "cơn bão" xe có xuất xứ Ấn Độ đổ bộ về Việt Nam chỉ mang tính nhất thời. Viễn cảnh xe nhập ASEAN sẽ giảm giá nhờ thuế nhập khẩu trong khu vực xuống 0% vào năm 2018 là rất rõ ràng. Đến lúc đấy, giá bán các dòng xe nhập nội khối ASEAN chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn hiện nay, thậm chí còn thu hút hơn xe nhập khẩu từ Ấn Độ và thị trường sẽ tự cân đối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.