Người ta cho rằng, trầm hương là “linh khí của trời đất”, chứa đựng nguồn năng lượng phi thường tạo ra sức lực dồi dào, hóa giải hung khí. Ai có trầm - kỳ (trầm hương - kỳ nam) coi như là có của quý và được cất giữ như vật “gia bảo” trong nhà, hoặc đeo bên người để làm bùa hộ mệnh. Trong các sản vật để dâng tiến Vua thì trầm hương là sản vật không thể thiếu.
Về “xứ trầm” nghe kể chuyện tìm trầm
Như một mặc định, lâu nay Khánh Hòa được ca ngợi là “thủ phủ” trầm hương của cả nước, qua lời truyền tụng: “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/ Non cao biển rộng người thương đi về…”. Ai cũng biết, trầm hương hình thành từ “nhựa” chảy ra từ vết thương trên cây dó bầu, được hun đúc bởi thời gian, nắng gió và các điều kiện tự nhiên đặc biệt khác.
Ở Khánh Hòa hiện nay, dù người tìm trầm không còn nhiều, nhưng những câu chuyện ly kỳ băng rừng tìm trầm vẫn là những giai thoại sống động. Trong đó, vùng đất huyện Vạn Ninh, nơi cách trung tâm thành phố biển Nha Trang khoảng 80km về phía bắc, được xem là vùng đất gắn liền với nghề tìm trầm, nơi có nhiều phu trầm, làng trầm, thú “chơi trầm” nức tiếng.
Người dân "soi trầm" từ cây dó bầu tự trồng và "cấy" trầm nhân tạo.
Ông Nguyễn Duy Tân (42 tuổi, thôn Phú Hội 2, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), một phu trầm có thâm niên kể rằng, nghề tìm trầm - kỳ là một nghề vô cùng vất vả, “khổ gấp mấy lần nghề biển”, hiểm nguy rình rập. Trước khi vào rừng tìm trầm, dân trầm phải chuẩn bị lương thực, thuốc men và một bộ đồ nghề tìm trầm, gồm: rựa, rìu, búa, võng, mền, tất cao gót… Mỗi phu trầm phải mang vác ít nhất là 40kg, gồm những thứ thiết yếu nói trên.
Đoàn tìm trầm thường đi từ 8 đến 10 người, hoặc ít hơn thì 4 đến 6 người, và chuyến đi thường kéo dài từ 20 ngày đến một tháng, thậm chí có thể lâu hơn. Thay vì tìm kiếm ở vùng rừng núi tỉnh Khánh Hòa, vài năm trở lại đây, dân “săn” trầm ở Vạn Ninh thường ra đến vùng rừng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hoặc lên tận Kon Tum, Gia Lai, thậm chí là vùng rừng giáp với Lào. Đặc biệt, hiện nay giới phu trầm thường hay đi tìm theo... tin đồn. Hễ ở đâu nghe đồn có trầm là phu trầm khắp nơi đổ xô tới đào bới, mà chưa chắc đã có kết quả.
Sau hành trình dài để vào “lãnh địa” của cây dó bầu, dân trầm phải bày biện lễ vật, làm lễ cúng ra mắt “lâm thần”. Lễ cúng xong xuôi, họ tìm những con suối nhỏ rồi dựng lán trại làm chỗ trú ngụ qua đêm. Dân tìm trầm thường làm quần quật suốt ngày đêm. Ban ngày họ chia nhau tìm kiếm, tối đến thì về lán để “soi trầm” - động tác gọt bỏ phần vỏ cây dó bầu để lấy phần lõi trầm bên trong.
Hiện nay, 1kg trầm nhân tạo có giá thị trường là 2,2 triệu đồng.
Ông Đinh Tấn Ba (61 tuổi, thôn Phú Hội 3, xã Vạn Thắng) từng có nhiều năm lăn lộn tìm trầm kể, trước đây, không ít phu trầm ở huyện Vạn Ninh như ở xã Vạn Bình, Vạn Phú… đã từng bị cây đè chết hoặc bị rắn cắn, thậm chí bị lạc và chết đói ở trong rừng. Tuy nhiên, do mối lợi hấp dẫn từ trầm kỳ đem lại, nhiều người vẫn bất chấp tính mạng để “lao đầu” tìm trầm.
“Thế giới” của dân tìm trầm cũng có luật lệ ngầm rất khắt khe. Người trưởng nhóm thường có nhiều kinh nghiệm, thông thạo địa hình và được cả nhóm bầu ra. Theo “luật”, trưởng nhóm thường được chia 10% phần thân dó bầu (có trầm) và 10% gốc trầm (phần trầm đã “soi”), còn lại là chia đều, nếu chuyến đi đó trúng trầm hoặc kỳ. Tuy nhiên, không ít chuyến đi, đoàn phu trầm tay trắng trở về.
Một mẩu trầm rất quý hiếm ở Vạn Ninh.
Thực hư chuyện “ngậm ngải tìm trầm…”
Chúng tôi đem chuyện “ngậm ngải tìm trầm” để hỏi chính những phu trầm ở “xứ trầm” Khánh Hòa, thì câu trả lời nhận được trái ngược với những gì người ta đồn đoán. Một phu trầm lâu năm ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) khẳng định đã vào rừng tìm trầm hơn chục năm nay nhưng chưa khi nào phải “ngậm ngải”. Theo người này, có chăng đó là sự gian nan, khổ cực, hiểm nguy vì phải đối mặt với hàng loạt “hung thần” như rắn, rết, vắt... Do đó, mỗi khi đã chấp nhận vào rừng “săn” trầm là người phu trầm coi như đã đánh cược tính mạng của mình.
Bộ đồ nghề của phu trầm.
Phu trầm Nguyễn Duy Tân tâm sự, cách đây khoảng 6 năm, khi đi tìm trầm ở Quảng Ngãi, ông từng bị rắn hổ cắn ở chân trong tình trạng“thập tử nhất sinh”. Phải mất tới 2 ngày đường băng rừng, lội suối, đồng nghiệp mới đưa được ông Tân ra đến trạm xá gần nhất để chữa trị. May mắn, sau nửa tháng, ông Tân đã được các bác sỹ chữa lành vết thương.
“Những ai nói và tin rằng có chuyện “ngậm ngải tìm trầm” là ảo tưởng! Chúng tôi là phu trầm nhưng chẳng hề ngậm bất cứ thứ gì cả. Đó là câu cửa miệng để nói sự vất vả của đời phu trầm, chứ chẳng có ngải, bùa chú gì hết”, ông Tân chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lê (vợ ông Tân), tâm sự: “Lần đầu chồng tôi đi tìm trầm, ở nhà tôi rất lo lắng, chỉ biết cầu nguyện đi đến nơi về đến chốn! Không lo sao được khi nơi chồng tôi mưu sinh là chốn rừng sâu, nguy hiểm… Dù vậy, lâu dần cũng quen, cái nghề cái nghiệp nó vậy, biết làm sao”.
Theo giới thạo trầm, trầm có vô số loại khác nhau, nhưng dễ phân biệt nhất là trầm hương và kỳ nam. Theo đó, kỳ nam có giá thị trường đắt gấp nhiều lần trầm hương do mùi thơm đặc trưng của nó. Khi đi tìm trầm, đa phần giới phu trầm thường ao ước một lần được trúng trầm, chứ không dám mơ đến kỳ. Người dân Vạn Ninh vẫn còn truyền tai rằng, trước đây nhiều phu trầm ở vùng này có lúc trúng hàng chục cây vàng nhờ trúng kỳ nam.
Nuôi hi vọng đổi đời, nhiều phu trầm chấp nhận bỏ cả cuộc đời để vào rừng tìm trầm, nhưng giữa chốn “rừng thiêng, nước độc” việc tìm được trầm chẳng khác gì việc “mò kim đáy biển”.
Trầm hương Khánh Hòa từng được sử liệu cổ đề cập tới, trong đó cuốn “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn nói rất rõ về trầm hương ở 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh. Theo địa giới hành chính, 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh là đất của tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Trầm hương thường được làm đồ trang sức như: vòng đeo tay, vòng đeo cổ, hoặc chế tác tượng phật, tác phẩm điêu khắc, nhưng hấp dẫn nhất vẫn mùi thơm được cho là hội tụ từ “tinh khí của đất trời”.
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.