Liên tục đào được cổ vật
Từ hàng chục năm nay, những lời đồn về “kho báu 4.000 tấn vàng” (nhiều người còn gọi “kho báu nghìn tỷ”) ở núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vẫn còn là một bí ẩn. Một số tài liệu cho rằng, trong Thế chiến thứ 2, quân đội Nhật vơ vét nhiều vàng bạc, của cải từ các nước châu Á bị chiếm đóng. Cuối năm 1944, số vàng này được tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã vận chuyển về núi Tàu rồi thuê người dân tộc địa phương chôn giấu, sau đó đánh đắm đoàn tàu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn trước khi đầu hàng quân đội Đồng Minh.
Núi Tàu – nơi ẩn chứa bí ẩn về “kho báu 4.000 tấn vàng của quân Nhật”.
Năm 1957, ông Trần Văn Tiệp (SN 1915, mất năm 2016, quê Hải Phòng) tình cờ được vợ một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật tiết lộ về “kho báu 4.000 tấn vàng” ở núi Tàu. Năm 1963, ông Tiệp được Tỉnh trưởng Bình Tuy (phía Nam Bình Thuận hiện nay) là ông Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ kho báu tiết lộ.
Năm 1987, ông Tiệp được ông Lê Văn Hiền (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, nay là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) cung cấp thêm thông tin về “kho báu nghìn tỷ”. Đến năm 1992, ông Tiệp cùng ông Hiền xin UBND tỉnh Bình Thuận thăm dò kho báu và được chấp thuận. Tháng 10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận tái cấp phép thăm dò kho báu. Tháng 6/2012, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò thêm 3 tháng. Thời hạn chấm dứt thăm dò là ngày 10/10/2012.
Sau đó, ông Tiệp có đơn xin gia hạn và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận thời gian thăm dò đến ngày 30/6/2013. Sau ngày 30/6/2013, kho báu vẫn chưa phát lộ, ông Tiệp tiếp tục gửi đơn đề nghị gia hạn. Ngày 12/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn yêu cầu chấm dứt và không giải quyết những vấn đề liên quan đến việc khảo sát, thăm dò kho báu tại núi Tàu.
Những vật phẩm bằng kim loại được cho là cổ vật mà gia đình ông P. đào được ở khu vực gần núi Tàu.
Mới đây, vào chiều 1/7, gia đình ông P. (sống tại địa bàn xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) trong quá trình dùng máy múc để đào ao trong vườn nhà thì bất ngờ phát hiện một số pho tượng bằng kim loại màu vàng. Vị trí đào được pho tượng nằm gần núi Tàu. Sau đó, gia đình ông P. đào thêm được 1 bình hồ lô, 1 tượng phật cưỡi cá chép, 2 con cóc ngậm tiền. Các cổ vật được đúc hoa văn tinh xảo, dưới đế có khắc chữ Hán. Riêng tượng Phật Di lặc cưỡi cá chép nặng khoảng 1,6kg. Các cổ vật còn lại đều có trọng lượng hơn 1kg. Số tượng này đều lấm lem bùn đất nhưng khi chùi rửa đều sáng choang. Khi lắc, phía trong các vật này đều rỗng ruột và nghe như âm thanh va chạm giữa kim loại mà người phát hiện cho là vàng.
Đã tìm thấy “kho báu nghìn tỷ”?
Từ khi ông P. đào được số cổ vật trên, tại địa phương này đã xuất hiện rất nhiều lời đồn thổi về việc trên núi Tàu thật sự có “kho báu 4.000 tấn vàng” của quân đội Nhật chôn giấu. Những vật mà gia đình ông P. đào được chính là những cổ vật bằng vàng ròng, là một phần “rơi rớt” từ kho báu trong quá trình quân đội Nhật vận chuyển vàng lên núi cất giấu. Thậm chí, có người còn thổi phồng lên rằng số cổ vật từ “kho báu” trên núi Tàu mà ông P. vừa tìm thấy được những người chuyên mua bán kinh doanh đồ cổ định giá lên tới hàng tỷ đồng (!?). Ông P. cho biết, sở dĩ ông rất tin tưởng những vật mà gia đình ông vừa phát hiện là cổ vật quý bằng vàng do địa điểm phát hiện số cổ vật này nằm không xa núi Tàu.
Theo những thông tin lan truyền tại địa phương và trên mạng xã hội, những người “hiểu biết” về đồ cổ còn cho rằng “kho báu nghìn tỷ” trên núi Tàu là hoàn toàn có thật. Cho đến thời điểm hiện tại, số vàng này được quy đổi ra tiền thì sẽ có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những lời đồn đại vô căn cứ này cứ ngày càng được thổi bùng lên khiến cho những người dân sống tại địa phương, nhất là những người dân sinh sống ở gần núi Tàu bỗng trở nên điên đảo trong cơn “say vàng”, cuống cuồng rủ nhau đi đào bới nhằm thử vận may.
“Cổ vật” có hoa văn tinh xảo.
“Tôi nghe nhiều người nói, ông P. đào được cổ vật như vậy là đã “trúng quả đậm” rồi. Bây giờ bán số cổ vật đó đi thì ông ấy có hàng tỷ đồng ngay. Ai ai cũng đoán đó là những cổ vật nằm trong kho vàng của quân Nhật thời xưa, bị rơi ra trong quá trình vận chuyển lên núi rồi bị vùi trong đất và bây giờ được người dân tìm thấy. Từ hôm ông P. đào được số cổ vật đó, với mong muốn được “đổi đời” nên đã có đến gần chục người thuê máy múc về đào xới vườn nhà mình lên để “thử vận may”, biết đâu lại đào được ít vàng”, ông M. (một người dân địa phương) nói.
Theo một chuyên gia bảo tồn, bảo tàng ở Bình Thuận, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long đã dừng ở vùng này để chiêu mộ binh sĩ, sau đó đưa về vùng đất Láng Lớn cách đó 6km để huấn luyện. Do đó khu vực này nhiều người dân cho biết vẫn thỉnh thoảng đào được nhiều cổ vật quý hiếm.
Tất cả số cổ vật đều là giả, không có giá trị?
Liên quan tới vụ việc trên, trưa 2/7, ông Trần Ngọc Thuận (Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo) khẳng định, ông chưa hề nghe được thông tin nào về vụ người dân đào được số cổ vật bằng kim loại màu vàng, nghi là “kho báu 4.000 tấn vàng” trên núi Tàu của quân đội Nhật. “Tôi chỉ mới đọc được thông tin từ báo chí chứ chính quyền địa phương chưa có thông tin gì. Đến bây giờ, chưa có ai báo gì với chính quyền về việc này. Tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo tìm hiểu thêm vụ việc. Không loại trừ khả năng đây là thông tin giả để làm giá các loại vật phẩm”, ông Thuận nói.
Tương tự như vậy, ông Huỳnh Văn Điển (Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong) cũng quả quyết rằng ông chỉ nắm thông tin vụ việc qua báo chí và huyện sẽ tiến hành xác minh thông tin trên. “Có thể người dân đào được nhưng không trình báo chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ xác minh thông tin trên”, ông Điển cho hay.
Chiều 2/7, ông Nguyễn Văn Quỳ (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận) xác nhận, bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận thông tin về việc người dân tại xã Vĩnh Hảo phát hiện một số tượng nghi cổ vật khi đào ao. Bảo tàng tỉnh đã liên lạc với ông P. trao đổi về sự việc trên nhằm phối hợp với gia đình ông này đưa “kho báu” gồm nhiều cổ vật vừa được phát hiện trong quá trình đào ao trong vườn nhà để lập hội đồng xem xét, giám định nhằm sớm đưa ra được kết quả chính xác. Tuy nhiên, qua quan sát, ông Lý cho rằng những đồ vật này không có giá trị gì. “Hiện chúng tôi chưa biết thêm thông tin. Để xác định những đồ vật này có phải là cổ vật hay không, có thể phải lập hội đồng tiếp nhận, xem xét, giám định”, ông Quý nói.
Hoa Cương (Tuổi trẻ và Đời sống)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.