Thực hư kho báu 4.000 tấn vàng ở núi Tàu (bài cuối): Còn những “kho báu” khác ngoài núi Tàu?

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 16/03/2021 14:00 PM (GMT+7)
Kho báu núi Tàu ở xã Phước Thể huyện Tuy Phong (Bình Thuận) xem như khép lại, phần thiệt hại nặng nề thuộc về cụ Trần Văn Tiệp (Phú Nhuận, TP.HCM). Tuy nhiên, trước đó vào thời điểm năm 1990-1993, cụ Tiệp còn bị thất bại khác khi săn lùng “kho báu Ioshida” tại Bình Giã - Vũng Tàu nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bình luận 0

"Kho báu Ioshida" ở Bình Giã

Theo anh Nguyễn Phương Đông, một nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật, tác giả của nhiều bài viết về những chuyến tàu săn tìm cổ vật bị chìm trên biển ở Bình Thuận, trước đó qua những lần tiếp xúc, cụ Tiệp đã cung cấp cho anh những chi tiết về "kho báu Ioshida" và một "kho báu" khác ở Căn cứ 6.

Theo đó, trước 1945, đại tá Ioshida là một sĩ quan thân cận của Tướng Tomoyuki Yamashita (người liên quan thông tin kho báu núi Tàu như bài trước đã nói) nhận lệnh chôn vàng bạc ở Bình Giã.

Thực hư kho báu 4.000 tấn vàng ở núi Tàu (bài cuối): Còn những “kho báu” khác ngoài núi Tàu? - Ảnh 1.

Cụ Trần Văn Tiệp trong một lần khảo sát “kho báu” núi Tàu. (Ảnh của nhà báo Quế Hà - Báo Thanh Niên).

Sau gần cả đời hy sinh tiền của, tuổi trẻ của mình để tìm "kho báu", trưa 10/6/2016, cụ Trần Văn Tiệp trút hơi thở cuối cùng tại TP.HCM, hưởng thọ 101 tuổi. Hai nhà báo thường viết bài đưa tin về sự tìm kiếm kho báu của cụ Tiệp là nhà báo Phương Nam (Báo Pháp luật TP.HCM) và nhà báo Quế Hà - Báo Thanh niên đều bày tỏ lòng kính trọng và sự tiếc thương cụ Tiệp. Trong đó, nhà báo Quế Hà viết:

"Cụ đã bỏ ra hàng nghìn lượng vàng trong mấy chục năm qua với mục đích '"lấy vàng lên cho ngân khố quốc gia". Cụ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tìm vàng cho mình. Cho dù cụ chưa kiếm được, nhưng với công sức, tiền bạc cụ từng bỏ ra mấy chục năm qua đã là quá lớn. Với tôi, cụ đã tìm được nhiều thứ, chứ không chỉ có vàng. Đó là ý chí, niềm tin và sự kiên định bền bỉ của một con người. Xin thắp một nén nhang tỏ lòng khâm phục một con người 'huyền thoại'…".

Sau khi chôn giấu xong, đại tá Ioshida trở về nước Nhật trong tư thế của kẻ cúi đầu bại trận. Thế nhưng, năm 1971, trong vai một nhà sư Ioshida bất ngờ xuất hiện tại miền Nam Việt Nam và đến Vũng Tàu. Hay tin này, cụ Tiệp đã tìm cách tiếp cận được nhà sư Ioshida rồi biết "kho báu" này được chôn dưới nền một căn biệt thự rất lớn.

Ôm ấp giấc mơ về tìm kiếm, mãi đến đầu năm 1990, cụ Tiệp mới được cấp phép cho thăm dò, khai thác "kho báu Ioshida" tại Bình Giã.

Ròng rã 3 năm đổ hàng đống của cải vào "kho báu" này nhưng cụ Tiệp vẫn không tìm thấy. Cuối cùng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định đình chỉ. Ngày 21/4/1993, trong Công văn số 1695/KTN, Văn phòng Chính phủ đã kết luận về "kho báu Ioshida" ở Bình Giã và "Trường hợp tin báo của ông Tiệp về kho báu ở Bà Rịa - Vũng Tàu là tin thất thiệt!".

Thế nhưng đối với ông Tiệp hai "kho báu" trên vẫn chưa phải chấm hết, bởi cụ Tiệp vẫn còn hồ sơ một kho báu khác. Theo anh Nguyễn Phương Đông, không biết căn từ đâu nhưng qua hồ sơ cụ Tiệp lại có thông tin về kho báu này Căn cứ 6.

Theo đó, khoảng tháng 5/1945 khi phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Xô Viết, một bộ phận tướng lĩnh quân đội Nhật đang chiếm đóng Việt Nam đã bí mật đưa toàn bộ số của cải khổng lồ "thu hoạch" được ở Việt Nam đến Căn cứ 6 (nay thuộc thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), chôn trong một khu rừng già giáp với suối Kiết (Tánh Linh).

Kho báu Căn cứ 6

Không biết thông tin trên thực hư thế nào nhưng thời đó khoảng những năm sau 1960, đích thân ông Ngô Đình Nhu

(em ông Ngô Đình Diệm) có sự tháp tùng của Tỉnh trưởng Bình Tuy, Lê Văn Bường (Bình Tuy nay thuộc tỉnh Bình Thuận) cùng lực lượng khác trang bị súng ống "mở chiến dịch càn quét" đến vùng đất này.

Thời điểm năm 1960 đến tháng 11/1963, nhiều người dân Bình Tuy biết rõ mỗi tháng "ngài cố vấn" Ngô Đình Nhu thường tổ chức đi săn ở khu vực Tân Minh - suối Kiết và đều có ông Lê Văn Bường tháp tùng. Người dân địa phương thời bấy giờ cũng "thắc mắc" vì địa điểm săn bắn của ông Nhu chỉ quanh quẩn ở khu vực này…

Thời điểm này, cụ Tiệp thường làm ăn tại Bình Tuy nên quen biết, qua lại thân với ông Lê Văn Bường, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận). Nhờ mối quan hệ đó, cụ Tiệp biết rất nhiều việc liên quan đến ông Bường.

Tháng 11/1963, ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ… và tỉnh trưởng Lê Văn Bường bỗng biến mất khỏi La Gi (tỉnh lỵ Bình Tuy lúc bấy giờ) mà không ra trình diện phe đảo chính. Do đó, ông Bường bị tướng, tá phe đảo chính truy nã gắt gao. Năm 1973, ông Tiệp tình cờ gặp lại ông Lê Văn Bường tại Gia Định lúc này đã thay tên đổi họ. Nhờ cụ Tiệp giúp đỡ về tiền bạc, nên ông Bường đã kể về những bí mật về kho báu Yamashita tại núi Tàu và "kho báu Căn cứ 6".

Tên gọi "kho báu Căn cứ 6", vì vị trí này giáp ranh giữa Tân Minh (Hàm Tân) và suối Kiết (Tánh Linh). Muốn đến nơi này phải đi qua ngã ba Căn cứ 6 ở Tân Minh. Kho báu này không thể so với kho báu Yamashita tại núi Tàu nhưng dự đoán cũng rất nhiều tài sản quý báu! Trước năm 1975, ông Lê Văn Bường bất ngờ qua đời nên cụ Tiệp âm thầm tìm kiếm nhưng rồi cũng không thấy tung tích gì và chính cụ Tiệp đã nhận phần thiệt hại…

"Kho báu" núi Tàu, Ioshida, Căn cứ 6 do các vị tướng Nhật để lại có thật hay không, đến nay vẫn chứa đầy bí ẩn, mang nhiều màu sắc huyền thoại. Cái tiếng đồn "kho báu" đã tạo thành sự hút mãnh liệt khiến nhiều người bỏ công sức, tài sản thật để săn săn lùng trong sự mờ ảo! Và những câu chuyện thêu dệt, truyền miệng bằng nhiều tình tiết ly kỳ đã lôi cuốn những con người có thật với hàng đống của cải, thời gian, công sức bỏ ra săn tìm là có thật. Nhưng kho báu vẫn nằm trong vòng "ảo giác"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem