Vào tháng 12/2019, trước khi Covid-19 xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại Trung Quốc là 12,2%. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp buộc phải xem xét tiếp tục học cao hơn hoặc cố gắng tìm kiếm những công việc trong nhà nước ổn định mà họ có đủ tiêu chuẩn, dù có tỷ lệ trúng tuyển thấp. Học tập hoặc làm việc ở nước ngoài cũng là một lựa chọn cho một số người.
Thực hư tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp tới 50%?
Sự thất vọng của giới trẻ nước này càng lên cao khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gần gấp ba lần so với Hoa Kỳ và cao hơn nhiều so với mức 14% của khu vực đồng euro, quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19 của Trung Quốc cũng kém hơn hẳn.
Trong một cuộc khảo sát chính thức của Chính phủ Trung Quốc vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục 21,3% đối với thanh niên thành thị. Tuy vậy, một tuyên bố công khai có tính "bất thường" của một giáo sư Đại học Bắc Kinh Zhang Dandan chia sẻ tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của đất nước có thể đã lên tới gần 50% đã làm dấy lên cuộc tranh luận về dữ liệu chính thức và thị trường lao động mềm.
Cục Thống kê Quốc gia cho biết tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 trong tháng đó là 21,3%, thấp hơn một nửa so với ước tính của vị giáo sư.
Zhang viết trong một bài báo trực tuyến trên tạp chí tài chính uy tín Caixin, nếu tính cả 16 triệu người không phải là sinh viên đang "nằm bẹp" ở nhà hoặc dựa vào cha mẹ, thì tỷ lệ này vào thời điểm đó có thể lên tới 46,5%. Bài báo này sau đó đã bị xóa.
Tuy vậy, theo thước đo mà thế giới công nhận, con số gần 50% có vẻ xa rời thực tế. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên của một quốc gia là tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 15 đến 24 tuổi trên tổng lực lượng lao động thanh niên. Để đủ điều kiện là người thất nghiệp, một người phải không có việc làm nhưng sẵn sàng làm việc và đã thực hiện các bước tích cực để tìm việc làm trong 4 tuần qua.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc đối với thanh niên thành thị, do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hàng tháng, sử dụng một công thức tương tự, phù hợp với tiêu chuẩn thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế. Nó được tính bằng cách chia số người thất nghiệp cho tổng số người có việc làm và thất nghiệp. Những người thất nghiệp được tính là lao động chưa có việc làm, nhưng đã tích cực tìm kiếm việc làm trong ba tháng qua và có thể bắt đầu làm việc sau hai tuần nếu họ được tuyển dụng.
Nhưng Zhang Dandan, phó giáo sư kinh tế tại Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, xem xét nhóm thanh niên thứ ba: những người "không có việc làm, giáo dục hoặc đào tạo" ( hay còn gọi là NEET) và cũng không tích cực tìm kiếm việc làm. Việc bổ sung nhóm này khiến cho con số tăng vọt lên gần 50%.
Trong bài viết của mình về tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có khả năng bị đánh giá thấp của Trung Quốc được xuất bản trên Caixin vào tháng trước, Zhang đã gọi 16 triệu người là "những đứa trẻ toàn thời gian", một từ thông dụng trên mạng xã hội Trung Quốc có phần liên quan đến khái niệm phổ biến về chuyện người trong độ tuổi lao động quyết định "nằm thẳng".
Những người trẻ tuổi "nằm thẳng" tự nguyện từ bỏ "cuộc đua" trong sự nghiệp và tìm kiếm một lối sống ít lo nghĩ hơn. "Những đứa trẻ toàn thời gian" có thể đảm nhận vai trò nội trợ toàn thời gian, làm việc nhà hoặc chăm sóc người già để đổi lấy thức ăn, chỗ ở và đôi khi là "tiền lương" từ cha mẹ. Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một số người trong số họ hài lòng với thực tại, một số trường hợp khác buộc phải đảm nhận vai trò này vì cha mẹ ốm yếu, trong khi không ít người vẫn tìm việc làm hoặc nộp đơn học đại học.
Zhang cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một hãng truyền thông Trung Quốc sau khi dữ liệu của cô được nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn. Cô không cố gắng làm mọi việc trở nên trầm trọng hơn mà chỉ hy vọng rằng nó có thể nhận được nhiều sự chú ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.