Thực phẩm chức năng - một thị trường thả nổi

Hải Minh Thứ bảy, ngày 19/07/2014 20:52 PM (GMT+7)
Liên tiếp những vụ việc liên quan đến chất lượng thực phẩm chức năng (TPCN) được phanh phui gần đây cho thấy, công tác quản lý mặt hàng này từ khâu sản xuất đến lưu hành đều bất cập. 
Bình luận 0

Có thể có khuất tất?

Về vụ đổ thực phẩm chức năng dành cho trẻ em vừa phát hiện tại Hà Nội mới đây, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho hay, Công ty cổ phẩn thương mại Sao Hoàng Gia là đơn vị được Cục cấp phép sản xuất lô hàng, còn Công ty Intechpharm chỉ gia công theo đơn đặt hàng. Theo thông tin ban đầu, cả 2 lần Công ty Intechpharm giao hàng chất lượng đều không đạt nên hàng bị trả về. “Việc có một số lô hàng bị lỗi, không đạt chuẩn thi thoảng vẫn xảy ra tại các cơ sở sản xuất thuốc hay TPCN. Do sản phẩm đang trong quá trình sản xuất, chưa đưa ra thị trường nên theo quy định lô sản phẩm đó sẽ được tái chế hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, với cách mà Công ty Intechpharm đổ ra đồng thì chắc chắn có “khuất tất” gì đó. Việc này chúng tôi đang tìm hiểu và yêu cầu phía công ty có văn bản báo cáo” - ông Trung nói.

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng không khỏi bất bình: “Hành động của Công ty Intechpharm đổ “lậu” hàng tấn sản phẩm TPCN kém chất lượng ra môi trường thể hiện cách làm ăn có tính chất chụp giật của DN. Họ thiếu trách nhiệm với chính bản thân họ và với người tiêu dùng. Rất may cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điều đáng lo ngại hơn là những sản phẩm TPCN kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường, chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Những sản phẩm này bán với giá cao, không những gây thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt sức khỏe, mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế. Ông Tuấn cho hay, thời gian gần đây văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến TPCN. Trong đó phần lớn liên quan đến chất lượng, quảng cáo khuyếch đại, thổi phồng về tác dụng của sản phẩm và giá cả bị đẩy lên quá cao. Ông Tuấn bày tỏ: “Cục An toàn thực phẩm (ATTP) là cơ quan quản lý về mặt chất lượng và cấp phép. Trách nhiệm quản lý không có nghĩa chỉ cấp phép là xong, mà còn phải cùng lực lượng quản lý thị trường quản lý mặt hàng đó trên thị trường. TPCN là mặt hàng nhạy cảm liên quan đến sức khỏe con người.

 Hiện lực lượng kiểm soát thuốc chữa bệnh và TPCN trên thị trường còn rất mỏng. Các cơ quan phải tăng cường năng lực, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ về quản lý sản xuất, kinh doanh, công bố TPCN. Về phía người tiêu dùng, tự bảo vệ mình bằng cách đọc thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất”.

Thiếu quy định quản lý TPCN

Theo PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, việc quản lý sản xuất TPCN ở Việt Nam chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập. Điều kiện sản xuất chưa được quy định một cách cụ thể, hết sức chung chung là sản xuất thực phẩm. Trong khi, theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải hội đủ các yếu tố: Cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn. Điều kiện sản phẩm lưu hành cũng chưa có quy định chặt chẽ. Lẽ ra trước khi sản phẩm lưu hành phải đánh giá chất lượng, tính an toàn của sản phẩm. 

Ở Việt Nam chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ không có cơ sở khoa học, minh chứng cụ thể cải thiện sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ như các nhà sản xuất quảng bá. “Đáng chú ý, việc để cho DN tự công bố chất lượng dẫn tới DN công bố hết sức tùy tiện. Quảng cáo như thần dược, nhưng thực tế không như mong muốn. Thậm chí, một số DN còn đưa cả thuốc tân dược vào TPCN. Trong khi, quy định trên thế giới họ bị cấm. Người tiêu dùng đâu có biết việc này. Nếu kiểm soát chất lượng không tốt sẽ cho ra sản phẩm không tốt. Hậu quả, người tiêu dùng lãnh đủ, tiền mất, tật mang”.

Trước câu hỏi có hay không việc quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến nhiều sai phạm liên quan đến mặt hàng TPCN trong thời gian gần đây, ông Trung cho rằng, TPCN là mặt hàng mới du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay, do đó không tránh khỏi bất cập. 

Mới đây, Cục ATTP vừa thực hiện kiểm tra 3.781 cơ sở, phát hiện 1.830 cơ sở không đạt điều kiện an toàn thực phẩm, đã xử lý 78 cơ sở, cảnh cáo 32 cơ sở; phạt tiền 46 cơ sở; đình chỉ hoạt động 14 cơ sở; đình chỉ lưu hành 105 loại sản phẩm do kết quả kiểm nghiệm không đạt hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không đúng quy định... Ngoài ra, cũng tiêu hủy 15 loại sản phẩm do không đảm bảo ATTP. “TPCN không phải là thuốc, mà quản lý theo Luật Thực phẩm nên không thể kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt và khắt khe như thuốc. Song đây là nhóm sản phẩm trọng tâm trong việc giám sát, kiểm tra chất lượng. Tới đây, chỗ nào hổng, chúng tôi sẽ ra văn bản để siết” - ông Trung khẳng định. Liên quan đến trách nhiệm kiểm soát lưu thông TPCN trên thị trường, chúng tôi đã liên hệ với Cục Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo của cả 2 cơ quan đều cho biết, chưa nắm được thông tin và hứa sẽ trả lời sau.

  Theo Cục ATTP, tính đến cuối năm 2013, VN có khoảng 10.000 loại TPCN đang lưu thông, trong đó khoảng 60% sản phẩm nhập khẩu. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, có thêm 1.800 DN tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. TPCN rất đa dạng về chủng loại, dạng thành phẩm: Viên, trà, bột, nước uống, xirô, cháo, xúp, vitamin, kẹo, cốm… dành cho đủ đối tượng từ trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, nam giới cho đến người suy dinh dưỡng, béo phì.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem