Thực thi tiết kiệm, chống lãng phí: Gốc rễ là tinh giản biên chế!

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 10/04/2017 06:00 AM (GMT+7)
“Bên cạnh việc cắt giảm chi phí không cần thiết như hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, động thổ, khởi công... thì cần phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy công vụ, bởi chi phí cho bộ máy là chi thường xuyên, chi phí lớn". Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với NTNN - Dân Việt.
Bình luận 0

Giảm trung gian, không cần thiết

Mới đây Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có đề cập đến chuyện cắt giảm chi phí từ hội họp, đi công tác nước ngoài, động thổ, khởi công... đây được xem một quyết tâm cao của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn, ông nghĩ sao?

- Tôi đánh giá cao Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Chính phủ vừa ban hành. Có thể nói đây là một trong những công việc quan trọng được triển khai để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phát triển như khẩu hiệu Chính phủ đưa ra.

img

Tinh giản biên chế thực thi trong bối cảnh số người muốn “chạy” vào công chức gia tăng (Theo công bố chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016, 54% người dân phải hối lộ mới xin được vào hành chính công). Tranh minh họa: DŨNG CẬN

Chương trình trên của Chính phủ là bước nối dài để thực hiện Luật Thực hiện tiết kiệm, chống lãnh phí được Quốc hội thông qua năm 2013 có hiệu lực tháng 7.2014. Việc ban hành một chương trình cụ thể như Chính phủ thì nay mới có. Đây là động thái tích cực trong bối cảnh tình hình tài chính, ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Chương trình trên đưa tôi thấy khá toàn diện. Thứ nhất là khoán chi phí cho các công việc hành chính như khoán xe, việc khoán chi phí giới hạn các định mức này vừa tiết kiệm vừa hiệu quả. Thứ hai là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ gắn với tinh giản biên chế.

Nói như vậy, việc tổ chức lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế nếu làm tốt mới góp phần căn bản nhất vào việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thưa ông?

- Tôi nghĩ để tiết kiệm, chống lãng phí vấn đề gốc rễ chính là sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.

Khi đã thu gọn được đầu mối, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính thì nó giảm bớt được công việc trung gian không cần thiết đi rất nhiều. Sắp xếp bộ máy hành chính gắn liền với sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của các tổ chức, các thiết chế tổ chức. Làm sao 10 người làm đúng 10 công việc, chứ không phải 10 việc mà có đến 30 người cùng làm, đó còn chưa nói đến chất lượng cán bộ.

Nói về chất lượng cán bộ, nếu người cán bộ lãnh đạo trình độ năng lực không có, khi phác họa ra công việc, họ sẽ sinh ra những công việc không cần thiết, cộng với ý thức kém rồi dẫn tới tham nhũng, tiêu cực, vẽ việc ra để lấy tiền của nhân dân. Nếu như thế thì sự lãng phí rất lớn, bởi vì bộ máy hành chính sẽ cồng kềnh, ngân sách nhà nước phải gánh rất nặng.

Cái gì chỉ Nhà nước làm được thì mới giữ

Theo chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, năm 2017:
- Tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu 1,5 -2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.
- Các bộ ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015.
+ Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc.

Trong chương trình tổng thể Chính phủ có đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2017 giảm 1,5 đến 2% biên chế. Nói đến tinh giản biên chế luôn là câu chuyện phức tạp, khó khăn thưa ông?

- Đúng như thế. Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc làm rất đáng hoan nghênh của Chính phủ thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng nhưng cái này chưa chỉ ra được gốc rễ của vấn đề trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay.

Vấn đề đó như tôi đã nói chính là nằm ở bộ máy hành chính, muốn cải cách tổ chức lại bộ máy thì trước hết phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ. Từ chức năng, tức là cần có cái nhìn bao quát để xem phương diện hoạt động của cơ quan đó, bộ, ngành đó giới hạn đến đâu.

Trên cơ sở đó mới xác định nhiệm vụ để thực hiện chức năng đó, từ nhiệm mới định dạng ra từng loại công việc và từng loại công việc phải tính toán tương ứng bao nhiêu lao động làm việc cho nhà nước, quy mô của nó cần bao nhiêu người lãnh đạo chỉ huy. Làm sao điều hành vĩ mô phải như hình chóp nón mới hiệu quả.

Nói về mô hình chóp nón, tức là điều hành theo hệ thống từ trên xuống dưới, nhà nước hẹp xã hội rộng, nghĩa là nhà nước làm sao tinh giản và thu hẹp gọn lại chức năng để bớt đi sự can thiệp với công việc mà xã hội làm được. Ví dụ như dịch vụ công, cái gì chỉ nhà nước làm được thì giữ lại, còn chuyển giao cho xã hội để các thành phần kinh tế khác làm.

Trong các việc đảm bảo duy trì trật tự xã hội, trật tự kinh doanh thì nhà nước phải lập khuôn khổ pháp lý để kiểm soát xã hội, chứ không sa vào làm những công việc cụ thể mà xã hội có thể làm được. Như vậy phía trên tức là nhà nước sẽ thu hẹp lại, phình ra là phình phần xã hội. Làm như vậy mới tinh giản biên chế, giúp cho bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả.

Cấp phó nhiều quá!

Mới đây, các đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc ở một số địa phương đã chỉ ra tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, đặc biệt là lạm phát cấp phó, nếu như tình trạng này không được giải quyết cũng sẽ gây ra sự lãng phí lớn thưa ông?

- Đúng là việc này cũng gây lãng phí lớn, ngoài ra nó còn gây ra những hệ lụy khác.  Cấp phó hiện nay nhiều vì nguyên nhân gốc rễ trong phân công, phân nhiệm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ chưa rạch ròi. Ông cấp trưởng nói là điều hành chung nhưng việc quán xuyến không rõ, chính vì thế khi có sự cố gì xảy ra cấp trưởng đổ cho cấp phó. Cho nên cấp trưởng càng muốn đẻ ra nhiều cấp phó để có người làm thay.

Ông nào cũng thấy cơ quan, đơn vị mình nhiều việc nên phải nhiều cấp phó, dưới cấp phó lại có trưởng phòng trực thuộc. Ở đây có vấn đề là người đứng đầu của cơ quan đó không chịu trách nhiệm chính khi có sự cố. Nếu rạch ròi thì không ai truy cứu trách nhiệm với cấp phó, có sự cố gì xảy ra cấp phó chỉ chịu trách nhiệm liên đới, còn cấp trưởng cho dù ủy quyền phân công vẫn phải chịu trách nhiệm chính, vì theo chế độ thủ trưởng. Tuy nhiên chế độ thủ trưởng của chúng ta chưa được làm rõ, vẫn có sự mập mờ giữa việc người đứng đầu và sự phân công của người đứng đầu với cấp dưới nên ranh giới trách nhiệm không rõ. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết khi cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách, tổ chức bộ máy hành chính.

Theo ông trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để đạt hiệu quả vấn đề cần giải quyết là gì?

- Về bộ máy hành chính hiện nay có hai vấn đề đặt ra đó là rà soát chức năng, sắp xếp lại bộ máy làm sao tránh chống chéo, mâu thuẫn, làm sao tinh gọn, hiệu quả. Thứ hai là con người trong bộ máy đó, đó là nhân tố vận hành bộ máy, gồm có nhóm cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; nhóm nhân viên thừa hành thường được gọi là những người chấp pháp, phải rạch ròi như vậy. Hiện nay chúng ta đang lẫn lộn bộ máy, lẫn lộn cán bộ cho nên nhiều năm qua việc tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính chưa đạt hiệu quả.

Xin cảm ơn ông (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem