Thực thi VPA/FLEGT: Liên kết tạo sức mạnh

Đình Thắng Thứ năm, ngày 01/11/2018 17:30 PM (GMT+7)
Để thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi trong sản xuất, chế biến xuất khẩu, các DN phải liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một khối thống nhất.
Bình luận 0

Đòn bẩy từ trồng rừng

Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam - EU được kỳ vọng giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác. Đây là cơ hội tốt cho ngành lâm nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển rừng sản xuất trong nước, phục vụ chế biến, xuất khẩu.

img

Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (giữa) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đàm Duy

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến: "Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ Việt Nam" do báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức chiều 31.10, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, phát triển và bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành nông nghiệp triển khai trong suốt thời gian qua, đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, kinh tế rừng cũng được xác định là một trong những chiến lược trọng điểm của nước ta, khi kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2018 ước đạt 9 tỷ USD.

Một trong những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp là công tác trồng rừng được chú trọng. Bình quân hàng năm cả nước trồng khoảng 230.000ha rừng tập trung, trong đó 90% là rừng sản xuất. Năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã đạt trên 231.000ha.

Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là 1 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2010 – 2015. Đến hết tháng 10.2018 đã thu 2.557 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2017.

img

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Tài chính ngân sách Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chia sẻ, cần phải khẳng định trong những năm qua, chính sách hỗ trợ lâm nghiệp đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng, giải quyết việc làm cho người dân, giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp ngày càng gia tăng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã “đặt hàng” ngành lâm nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 15-20 tỷ USD.

Ông Đồng khẳng định: “Để đạt được mục tiêu 15-20 tỷ USD chúng ta cần thấy rõ những thách thức, cơ hội khi tham gia hội nhập với ngành lâm nghiệp thế giới. Thời gian tới chúng tôi mong Bộ NNPTNT sẽ cụ thể hóa hơn nữa chính sách giao đất, khoán rừng với chủ hộ”.

Doanh nghiệp liên kết để có sức mạnh

Từ đòn bẩy của công tác trồng rừng, kinh tế rừng đang trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong  lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. 10 tháng năm 2018, xuất khẩu lâm sản tiếp tục tăng trưởng trên 16%, ước đạt 7,6 tỷ USD, xuất siêu lâm sản chính 5,72 tỷ USD, là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu đứng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chúng tôi lập kế hoạch thúc đẩy các hiệp định song phương về lâm nghiệp để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường. Bộ NNPTNT xác định tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với các thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ”.

Ông Phạm Văn Điển

Để ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ông Phạm Văn Điển cho biết, hiện Bộ NNPTNT đang triển khai 4 nghị định, 7 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác, chế biến và thương mại lâm sản.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Tường Vân- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp), việc tham gia Hiệp định VPA/FLEGT là cơ hội tốt cho ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thúc đẩy phát triển rừng sản xuất trong nước, phục vụ chế biến, xuất khẩu. Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.

Khi tham gia Hiệp định này, chúng ta phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm gỗ. Điều này sẽ tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường rừng.

“Khi Hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các DN, kể cả những DN không tham gia thị trường xuất khẩu, bởi Hiệp định yêu cầu và đề cao rất rõ tính minh bạch của nguyên liệu gỗ - điều mà từ trước đến nay chỉ những DN tham gia xuất khẩu mới cần quan tâm tới” – bà Vân cho biết thêm.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), để DN thuận lợi trong sản xuất, chế biến xuất khẩu, các DN phải liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một khối thống nhất. Liên kết sẽ giúp DN giảm chi phí, gia tăng giá trị và gia tăng tính cạnh tranh.

Về vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần tạo điều kiện để ngành lâm nghiệp liên kết “4 nhà” từ khâu trồng rừng đến tiêu thụ chế biến, trong đó đặc biệt quan tâm đến trồng rừng gỗ lớn, bởi lâu nay chúng ta khai thác rừng non nhiều, xuất khẩu gỗ dăm nhiều nên ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nguyên liệu.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA):

Làm tốt quy hoạch, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý FSC

Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gắn với phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, cần tích cực đẩy mạnh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý FSC. Đây được coi là một đòi hỏi tất yếu của thị trường, các doanh nghiệp muốn tồn tại phải làm được điều đó.

Thời gian qua, những doanh nghiệp trong Hiệp hội đã có ý thức trong việc này, họ chủ động tìm đến người trồng rừng, liên kết phát triển rừng gỗ lớn, cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi.

Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển (CED):

Minh bạch hơn trong sản xuất, chế biến

 Khi Hiệp định VPA được ký kết, lợi ích đầu tiên đó là thực thi Luật Lâm nghiệp tốt hơn. Chúng ta phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm gỗ, điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường rừng.  Hiệp định VPA sẽ ảnh hưởng đến tất cả các DN, kể cả những DN không tham gia thị trường XK, bởi Hiệp định yêu cầu và đề cao rất rõ tính minh bạch của nguyên liệu gỗ - điều mà từ trước đến nay chỉ những DN tham gia XK mới cần quan tâm tới.

Những lợi ích trên sẽ đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải sản xuất minh bạch hơn, tuân thủ đúng theo yêu cầu của Hiệp định, đây chính là điều mà chúng ta hướng tới để phát triển tốt hơn nữa công tác xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp.

Ông Triệu Đăng Khoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang:

Ý thức người dân đã thay đổi

Tính đến nay, Tuyên Quang đã cấp chứng chỉ FSC cho 19.700ha. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ phấn đấu cấp thêm chứng chỉ cho 4.500 - 5.000ha. Khi tham gia chứng chỉ FSC, chúng tôi nhận thấy ý thức của người dân đã thay đổi, kiểm soát thuốc BVTV, gom gọn gàng chứ không vứt bừa bãi xuống mương. Bên cạnh đó tất cả đất đai phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền lợi của công nhân cũng phải được đảm bảo theo đúng công ước quốc tế. Công tác quản lý Nhà nước được nâng lên một bậc bởi phải tuân thủ theo công ước quốc tế.

Đình Thắng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem