Thuốc hết hạn “đi” dạo
Ông Huỳnh Hữu Thái- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 Phù Mỹ cho biết: “Chiều 4.7, nhận được nguồn tin báo chiếc xe tải mang biển kiểm soát 43C 053.21 của một doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang chở thuốc BVTV đi bán rong trên địa bàn thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), chúng tôi đã tiến hành kiểm tra hàng trên chiếc xe. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh sự hợp pháp của những lô hàng”.
Ngành chức năng và lực lượng quản lý thị trường số 2 huyện Phù Mỹ (Bình Định) đang kiểm tra lô hàng thuốc BVTV bán dạo. Ảnh: Dũ Tuấn
Nông dân không nên mua vật tư nông nghiệp trôi nổi trên thị trường vì rất dễ bị “tiền mất tật mang” mà nên mua ở những đại lý, công ty có uy tín. Khi nghi ngờ thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng… thì nông dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bà con”.
Bà Lê Thị Kim Mai
|
Theo ông Thái, ngay sau đó, Đội QLTT số 2 phối hợp với Cảnh sát Kinh tế huyện Phù Mỹ lập biên bản tạm giữ xe hàng, báo cho ngành chức năng của tỉnh kiểm tra chuyên ngành về lô hàng.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên chiếc xe tải loại nhỏ mang biển số 43C 053.21 chở đến hàng trăm loại thuốc BVTV loại chai, bì và một số giống cây trồng. Qua kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định (Sở NNPTNT) đa số những loại thuốc BVTV và giống cây trồng kia không rõ xuất xứ, thậm chí có nhiều loại đã quá hạn sử dụng và không có dấu chứng nhận hợp quy.
Anh Nguyễn Hiếu - chủ đại lý thuốc BVTV chính danh tại thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) cho hay: “Cách kiếm lời trong hoạt động mua bán thuốc BVTV dạo là trong lô hàng chở đi bán dạo có cả những loại thuốc có thương hiệu uy tín trên thị trường, nhưng nhiều hơn vẫn là những sản phẩm kém chất lượng. Rồi họ chào mời với giá rẻ và nhiều ưu đãi hấp dẫn nên cũng không ít người mua, thực tế này đã khiến những đại lý chính danh làm ăn chân chính lâm cảnh khốn đốn vì không thể cạnh tranh”.
Hám lợi, hại nông dân
Thời gian qua, việc bán thuốc BVTV dỏm diễn ra lén lút và chủ yếu tại các vùng nông thôn. Đặc biệt, các lô hàng dỏm được sắp xếp chung với những loại thuốc BVTV có tên tuổi trên thị trường, có giá bán siêu rẻ nhằm đánh lừa cho thu hút người mua. Điều này gây nhiều hệ lụy cho nông dân, doanh nghiệp chân chính và khiến ngành chức năng tại Bình Định đau đầu trong việc xử lý triệt để.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, hiện nay việc quản lý và thanh, kiểm tra các cơ sở có kinh doanh thuốc BVTV tại các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng trong khi đó địa bàn hoạt động lại quá rộng.
“Hiện nay, lực lượng thanh tra của chi cục chỉ có 2 người, chủ yếu thực hiện nghiệp vụ chuyên ngành là thanh, kiểm tra các cơ sở buôn bán nên chức năng phòng chống thuốc BVTV lậu đi dạo rất hạn chế. Trong khi đó, một số cơ sở buôn bán nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh nằm ở địa bàn rộng nhưng lực lượng thanh tra mỏng nên quản lý không xuể”- một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho hay.
Theo bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội Nông dân Bình Định, việc mua phải thuốc BVTV dỏm, hết hạn sử dụng… sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất và khiến người nông dân lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Công dụng của thuốc không những không phát huy mà còn gây nhiều hệ lụy dai dẳng như ô nhiễm môi trường, tác hại đến cây trồng...
“Nông dân thiệt thòi đã đành, điều này còn làm khó cho ngành chức năng trong công tác bảo vệ mùa màng. Vì vậy, nông dân không nên mua vật tư nông nghiệp trôi nổi trên thị trường vì rất dễ bị “tiền mất tật mang” mà nên mua ở những đại lý, công ty có uy tín. Khi nghi ngờ thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng… thì nông dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bà con”- bà Mai khuyến cáo.
Nhập lậu 30 - 40 tấn thuốc BVTV mỗi năm
Từ tháng 4.2016, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an mở đợt cao điểm ra quân truy quét thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV giả trên thị trường...
Theo đánh giá của Cục BVTV, hiện mỗi năm có khoảng từ 30 - 40 tấn thuốc BVTV nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam. Số lượng này len lỏi vào nhiều vùng sản xuất nên rất khó kiểm soát. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tồn dư hóa chất BVTV độc hại, nhất là trên rau, trái cây bởi các loại thuốc BVTV nhập lậu độc dược rất cao, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, lại được các chủ đại lý lén lút phân phối và khuyến cáo sử dụng một cách tràn lan.
Trong đợt cao điểm ra quân truy quét thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV giả trên thị trường, lực lượng thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp với Cục BVTV và các lực lượng như Cục C49 (Bộ Công an) khoanh vùng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sơ chế thuốc BVTV có dấu hiệu khả nghi để thanh kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm khắc.
P.V
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.