Thương lái hững hờ với cá tra

Thứ năm, ngày 09/06/2011 13:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy ngày qua, giá cá tra nguyên liệu ở (ĐBSCL) liên tục giảm giá khiến người nuôi đối mặt nguy cơ thua lỗ.
Bình luận 0

Lúc đỉnh điểm, giá cá tra nguyên liệu trên 29.000 đồng/kg thì nay chỉ còn ở mức từ 23.000 đồng đến 24.500 đồng/kg, nhưng rất khó bán.

Cá… ế!

Gần 1 tháng nay, ông Trần Văn Hùng - xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, chạy đôn, chạy đáo tìm mối bán ao cá tra gần 100 tấn. Từ lúc giá cá tra 27.000 đồng/kg, ông kêu hoài không ai mua, nay giá chỉ còn 24.000 đồng/kg, cũng chẳng ai ngó.

img
Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ.

Ông Hùng than: “Gần 1 tháng nay đã có 6 thương lái đến đây hứa sẽ mua hết ao cá và thống nhất xong chuyện giá cả. Vậy mà, gần đến ngày hẹn bắt cá thì thương lái điện thoại từ chối với lý do giá cá liên tục giảm…”.

Không riêng gì ông Hùng, nhiều người nuôi cá trong vùng cũng chịu cảnh tương tự. Bà Ba Lan ở gần đó cũng kêu bán cá hoài không ai mua. Bà đành phải bán rai rai 1 ngày khoảng 10 tấn cho thương lái bán hàng ở chợ và chở sang Campuchia, giá chỉ 23.500 đồng/kg.

Người nuôi cá bắt đầu lo lắng trước tình trạng cá tra ế ẩm. Số hộ mới thả nuôi thì càng “đau đầu” hơn trước tình trạng cá ngày càng tuột dốc mà chi phí nuôi lại rất cao. Hiện nay, thức ăn cá tra 26 độ đạm giá từ 11.500 - 12.000 đồng/kg nên giá thành nuôi cá tra dao động từ 23.000 - 24.000 đồng/kg. Như vậy người nuôi cá tra sẽ không còn lời.

Ông Võ Văn Nhựt - người nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tính toán: “Người nuôi cá tra lời 2.000 đồng/kg coi như chỉ đủ vốn vì phải trang trải lãi suất ngân hàng, lãi trả chậm tiền mua thức ăn… Giá cứ tiếp tục giảm như hiện nay thì rất khó khăn cho người nuôi cá tra.

Giá xuất khẩu vẫn cao!

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), giá sàn xuất khẩu cá tra vẫn ổn định ở mức 3,4 USD/kg đối với thị trường châu Âu và 4,2 USD/kg đối với thị trường Mỹ. Dự kiến trong quý 3 sẽ điều chỉnh giá sàn tăng thêm 0,2 USD/kg nữa. Như vậy, giá sàn xuất khẩu không chỉ ổn định mà còn có chiều hướng tăng. Nhưng giá cá tra nguyên liệu thì lại có chiều hướng ngược? Điều đó khẳng định nghề nuôi cá tra ẩn chứa nhiều bất ổn, khi thiếu, khi thừa nguyên liệu dẫn đến giá cá không ổn định.

Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Giá cá tra hiện nay giảm gây khó khăn cho nghề nuôi cá. Mặc dù giá xuất khẩu không giảm, nhưng giá cá nguyên liệu giảm đã thấy được sự bất ổn. Lúc cá mới bắt đầu giảm, nông dân đổ xô kêu bán cá, dẫn đến việc thừa nguyên liệu ảo. Từ đó, nhiều người không bán được cá dẫn đến cá liên tục bị giảm giá”.

Do đợt cá tra liên tục rớt giá những năm trước nên người nuôi cá ở ĐBSCL đã “treo ao” với diện tích khá lớn. Thời điểm hiện tại, cá tra lại rớt giá khá sâu và nhanh nên dự báo người nuôi cá tiếp tục “treo ao” là không thể tránh khỏi.

Thực tế, trước đây giá cá tra nguyên liệu cao do khan hiếm nguồn nguyên liệu nên doanh nghiệp đổ xô thu mua. Để mua được nguyên liệu chỉ còn cách nâng giá cá lên cao.

Ông Nguyễn Văn Phấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Hiệp Thanh (Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) cho rằng: “Lúc giá cá tra nguyên liệu cao, người nuôi cố tình “găm hàng” không bán cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng xuất khẩu càng lỗ nên hạn chế bán ra.

Hiện nay một số doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nuôi cá tra chất lượng, ổn định nên không quá phụ thuộc vào nguồn cá nguyên liệu từ bên ngoài. Cùng thời điểm này, doanh nghiệp tới đợt thu hoạch cá nên không mua cá của hộ nuôi nhỏ lẻ nữa…vì vậy dẫn đến cá tra liên tục rớt giá rất nhanh trong thời gian qua”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem