Thượng Quan Uyển Nhi: Nữ tể tướng tài sắc khuynh đảo Nhà Đường

Minh Anh Thứ tư, ngày 17/10/2018 20:34 PM (GMT+7)
Thượng Quan Uyển Nhi, nữ tể tướng nhà Đường, người phụ trợ cho Võ Tắc Thiên, là một trong số ít người đàn bà quyền lực làm nên một đoạn lịch sử truyền kỳ của cung đình Trung Hoa. Không những vậy, bà còn được biết tới như một tài nữ phong lưu, tài sắc vẹn toàn...
Bình luận 0

Thượng Quan Uyển Nhi, cũng gọi là Thượng Quan Chiêu Dung, là nữ quan, thi nhân, hoàng phi đời Đường, người huyện Thiểm, Thiểm Châu (nay là Tam Môn Hiệp, Hà Nam), là cháu của Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi vốn là tể tướng đương triều, vì bí mật theo lệnh vua soạn chiếu phế truất Võ hậu mà bị Võ hậu hại chết. Sau khi Thượng Quan Nghi bị tội chết, cô theo mẹ Trịnh Thị bị đày vào cung đình làm nữ tỳ. Năm 14 tuổi, nhờ thông minh lại giỏi văn chương nên được Võ Tắc Thiên trọng dụng.

img

Thượng Quan Uyển Nhi ( 664 – 21 tháng 7, 710), còn gọi là Thượng Quan Chiêu dung là một trong những nữ nhân nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc vì tài năng về thơ phú, thư pháp. Ảnh dẫn theo wikipedia.org.

Thượng Quan Uyển Nhi phụ trách các sắc vua nhiều năm, có danh là “Cân quắc tể tướng” (Tể tướng nữ nhi). Thời Đường Trung Tông, được phong làm Chiêu Dung, quyền thế càng lớn, có địa vị trọng yếu trong chính đàn và văn đàn. Từ đó với thân phận hoàng phi cai quản nội cung và chính lệnh, văn cáo triều đình. Bà từng kiến nghị mở rộng thư quán, tăng thêm học sỹ. Trong thời gian này, bà chủ trì phong nhã, thay mặt cung đình đánh giá văn thơ trong thiên hạ, một thời, các quan làm từ phần lớn tập trung nhà bà. “Toàn Đường thi” thu thập 32 bài thơ của Uyển Nhi.

Thượng Quan Uyển Nhi cả đời chìm nổi, thủy chung với Võ Hậu, Trung Tông. Bà là môn đệ cao quý nhưng thân thế chông gai. Năm mới chào đời, ông nội Thượng Quan Nghi do nghị luận việc Võ Hậu phế lập mà chịu tội chết, cha bà là Đình Chi cũng chết theo. Uyển Nhi theo mẹ bị đày vào cung làm nô tỳ. Thượng Quan Uyển Nhi tư chất thông minh, nhanh nhẹn, thời niên thiếu ở trong cung đình đã xuất hiện đầy tài năng. “Cảnh Long văn quán ký” có chép: “Uyển Nhi 14 tuổi, thông minh mẫn tiệp, kiến thức sâu rộng, tài hoa vô tỷ. Thiên Hậu nghe danh thử cô, vung bút liền thành, như là đã biết từ lâu”.

Thượng Quan Uyển Nhi không chỉ văn từ giỏi, mà rất sáng suốt trong các việc thư lại, nên được Võ Tắc Thiên tín nghiệm, được tham dự phê duyệt tấu chương, và khởi thảo các chính lệnh, trở thành nhân vật chính trị trung tâm của vương triều Võ Chu. Bài từ “Lưỡng triều chuyên mỹ” đã biểu lộ địa vị hiển hách của Thượng Quan Uyển Nhi thời Võ Hậu và Trung Tông, thực sự không hề nói quá chút nào.

Năm Võ Tắc Thiên mất, Uyển Nhi được phong là Chiêu Dung, trở thành phi tần của hoàng đế, tiếp tục cai quản công việc thảo chiếu chỉ trong cung. Trong khoảng thời gian này, Uyển Nhi thường xuyên qua lại với Vi Hoàng hậu và Công chúa An Lạc. Có thuyết cho rằng Uyển Nhi còn tư thông với Võ Tam Tư (cháu của Võ Tắc Thiên) và giới thiệu Võ Tam Tư cho Vi Hoàng hậu. Ngay sau đó, Võ Tam Tư đã ngồi vào vị trí "Tể tướng của Đại Đường", hình thành tập đoàn Võ-Vi do Vi Thị đứng đầu. Sau này chồng của Thái Bình công chúa (con gái của Võ Tắc Thiên) cũng ngồi vào vị trí Tể tướng triều đình.

Dưới kế hoạch của Thượng Quan Uyển Nhi, tập đoàn Võ–Vi tiến hành cuộc binh biến cướp ngôi Hoàng đế với hy vọng được quay trở lại "Thời đại Võ Tắc Thiên". Khi binh biến xảy ra, Thượng Quan Uyển Nhi đang cùng Vi Hoàng hậu, công chúa An Lạc xem kịch với Trung Tông. Sau khi nghe tin, Vi Hậu và An Lạc run rẩy, riêng Uyển Nhi lại điềm tĩnh vô cùng. Sau cuộc binh biến này, danh tiếng của Uyển Nhi lên tới đỉnh cao. Trung Tông trả lại công bằng và chức vụ cho người thân trong gia đình của Thượng Quan Uyển Nhi. Chỉ trong thời khắc đó, Trịnh Thị mới tin tưởng giấc mơ của bà năm xưa đã thành hiện thực: Uyển Nhi chính là người mang lại công bằng cho thiên hạ.

img

Thượng Quan Uyển Nhi với thân phận nữ lưu mà ảnh hưởng đến văn phong một thời, thật là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại Á Đông. Ảnh dẫn theo vietwiki.net.

Năm 710, Trung Tông đột ngột băng hà, quyền lực triều đình rơi vào tay Vi Hậu. Để đối trọng với Vi Hậu, Uyển Nhi liên kết với Thái Bình công chúa, thảo chiếu giả lập Lý Trọng Mậu làm Thái tử, Vi Hậu sẽ là Hoàng Thái Hậu nhiếp chính. Nhưng Vi Hậu có dã tâm trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai và tìm mọi cách thay đổi chiếu thư.

Năm thứ tư đời Đường Thương Đế (710), Lâm Tri vương Lý Long Cơ dấy phát cuộc chính biến, khởi binh tiêu diệt Vi Hậu và phe đảng. Thượng Quan Uyển Nhi bị bắt chung với Vi Hậu để xử trảm, lúc bấy giờ bà 46 tuổi.

Theo People's Daily, đánh giá về Thượng Quan Uyển Nhi có nhiều ý kiến trái nhiều, nhưng nhìn chung, bà được coi là điển hình cho mẫu hình phụ nữ tài năng, xinh đẹp đầy quyền lực trong lịch sử cung đình của Trung Hoa.  

Vào giao thời thế kỷ thứ 7, 8, là người hoằng dương và cũng là người kết thúc thơ ca cung đình thời Sơ Đường, Thượng Quan Uyển Nhi so với các tác giả phổ thông, thể hiện rõ nét phong thái thơ ca của thời đại, do đó cuối cùng đã có thể vượt lên trở thành bà tổ sáng tác của thể “Thượng Quan thể”. Trên cơ sở của “Thái lệ nhật tân”, bà đã rót thêm vào cái khí cương kiện và cảnh rộng mở, thúc đẩy chuyển đổi thơ ca thời Đường từ thơ ca cung đình thời Sơ Đường sang âm Thịnh Đường, từ đó có cống hiến trọng yếu cho thơ ca cổ đại Á Đông. Thượng Quan Uyển Nhi với thân phận nữ lưu mà ảnh hưởng đến văn phong một thời, là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại Á Đông.

Uyển Nhi tuy được rất nhiều người cảm thông, năm thứ 2 sau khi chết, thân phận Thượng Quan Chiêu Dung được khôi phục, hơn nữa được thụy phong làm “Huệ Văn”. Sau khi Lý Long Cơ lên ngôi, vẫn nhớ tài văn của Uyển Nhi, đã thu thập các tác phẩm của bà, biên tập thành 12 quyển văn tập. Một tài nữ khoáng thế một đời, không thể bị mai một trong dòng sông dài lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem