Thưởng Tết hơn 1 triệu đồng, công nhân không dám về quê ăn Tết
Thưởng Tết hơn 1 triệu đồng, công nhân không dám về quê ăn Tết
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 06/01/2023 06:08 AM (GMT+7)
Tết đến xuân về là dịp những người làm ăn xa quê trở về quê hương tụ họp với người thân, họ hàng. Nhưng năm nay, do thu nhập và thưởng Tết thấp, nhiều công nhân không dám về quê ăn Tết.
Anh Hà Văn Bắc, quê ở Bắc Kạn làm công nhân tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đến năm nay là năm thứ 6. “Chưa bao giờ thu nhập của tôi giảm như năm nay” – anh Bắc thốt lên khi chúng tôi đề cập về tiền lương.
Cách đây 4 tháng, khi đang làm công nhân của một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, anh bị công ty cho thôi việc, lận đận xin việc các nơi, anh được nhận vào làm công nhân kho của công ty vận chuyển hàng hóa : “Ở đây tôi làm 1 tháng ca ngày, 1 tháng ca đêm, làm ca ngày lương là 8 triệu 1 tháng, làm ca đêm được thêm 700 nghìn phụ cấp, là 8 triệu 7 trăm nghìn đồng. Tiền nhà trọ, điện nước hàng tháng là 1,5 đến 1,7 triệu đồng một tháng, tiền ăn uống trong thời bão giá, dù tiết kiệm lắm tôi vẫn phải chi đến 3 triệu một tháng, còn 3 triệu tôi gửi về quê nuôi 2 con ăn học và các việc khác”.
Khi được hỏi về tiền thưởng Tết, anh cho biết, vì mới vào 3 tháng, nên theo quy định của công ty, chỉ được 1,2 triệu đồng. “Dù thu nhập và tiền thưởng Tết thấp nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều người bị công ty cho nghỉ việc cách đây cả tháng” – anh Bắc cho hay.
Chị Đặng Liêm, làm công nhân tại nhà máy sản xuất linh kiện điện tử từ Tuyên Quang và KCN Quế Võ làm việc được 3 năm. Lương cơ bản của chị là 4,5 triệu, cộng thêm tiền tăng ca là 7,5 triệu 1 tháng. “Tiền lương của tôi chỉ đủ chi trả chi phí sinh hoạt và ăn uống hàng ngày, không có tiền gửi về quê cho bố mẹ” – chị Liêm cho biết.
2 năm nay, chị Liêm không về quê ăn Tết. Chị cho hay: “Tôi tranh thủ xin ở lại làm việc, lương được gấp 200% ngày thường, tổng thu nhập mấy ngày Tết cũng gần bằng cả tháng lương. Tiền này tôi gửi về quê biếu bố mẹ”.
Công nhân giảm việc làm, thu nhập thấp dẫn đến khó khăn cho cả những chủ phòng trọ tại Quế Võ. Theo ghi nhận của phóng viên, trong nửa năm trở lại đây, các khu trọ ở các làng Mao Yên, Mao Dộc, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trống rất nhiều phòng. Ông Nguyễn Văn Khang, chủ khu phòng trọ thôn Mao Yên cho biết, nhà ông có 24 phòng trọ thì trống 6 phòng. Rất nhiều phòng trọ trong xóm trống phòng đến một nửa hoặc 2/3. “Nhà tôi vay tiền ngân hàng để xây phòng trọ, bây giờ đang như ngồi trên đống lửa vì tiền thu hàng tháng không đủ trả lãi”- ông Khang cho hay.
Chủ phòng trọ mua quà tết cho khách trọ
Dù khó khăn nhưng những chủ nhà trọ như ông Khang năm nào cũng chuẩn bị những phần quà Tết để tặng công nhân ở trọ. Ông Khang cho biết, năm nay nhà ông dự định gói 40 chiếc bánh chưng để tặng cho công nhân thuê trọ. Những người ở lại, không về quê ăn Tết, ông còn tặng thêm 5kg gạo.
Chị Lưu Thị Nga, chủ phòng trọ ở thôn Mao Dộc cho biết, năm nay chị đã chuẩn bị 30 phần quà Tết bao gồm mứt tết, mì chính, bánh chưng để tặng cho những công nhân thuê trọ trong khu nhà chị. “Đa số những công nhân ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, ở những vùng cao như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang… Nhiều em đi làm cả năm nhưng cũng chẳng dành ra được đồng nào để mua quà về cho gia đình. Gia đình tôi tuy cũng chẳng khá giả gì, nhưng vẫn cố gắng lo chút đồng quà, tấm bánh tặng các em mang về cho gia đình, động viên các em và gia đình yên tâm công tác”- chị Nga chia sẻ.
Còn nhớ dịch Covid -19 năm 2021, khi tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng dịch nặng nề, phong tỏa toàn tỉnh, nhiều công nhân phải nghỉ việc, chị Nga đã vận động người quen, bạn bè quyên góp hơn 100 phần quà trao cho các công nhân trong khu trọ và các khu lân cận. Ngoài ra, khi công nhân có người bị nhiễm Covid-19, bị cách ly tại nhà, chị đã hỗ trợ mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, thuốc men.
Được biết, Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ và KCN Yên Phong là 2 nơi sử dụng nhiều nhân lực nhất tỉnh Bắc Ninh. KCN Quế Võ thu hút 106.815 lao động và Yên Phong là 90.096 lao động.
Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh dự báo, trong thời gian tháng tới, số lao động tại tỉnh này tiếp tục giảm khoảng 18.260 người, các doanh nghiệp cũng cần tuyển mới thêm 15.513 người. Để “giữ chân” người lao động (NLĐ), công đoàn các KCN Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp giúp NLĐ yên tâm lao động.
Công đoàn các KCN phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tuyên truyền tới công nhân. Cùng với đó, công đoàn đã phát động, chỉ đạo công đoàn cơ sở đối thoại với chủ sử dụng lao động để có chính sách ưu đãi nhất với NLĐ, đặc biệt là tại những doanh nghiệp chưa có đơn hàng hoặc đơn hàng sụt giảm, để NLĐ cùng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
Với một số doanh nghiệp có đơn hàng giảm, doanh nghiệp đã dành thời gian này để đào tạo lại NLĐ, giúp NLĐ thấy họ thật sự cần thiết cho doanh nghiệp và yên tâm ở lại. Với một số doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc ít đơn hàng, công đoàn đã giới thiệu lao động cho đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, thông qua tuyển dụng như vậy vẫn “giữ chân” được NLĐ trong các KCN.
Về phía công nhân lao động, Công đoàn các KCN Bắc Ninh đã phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân viên cống hiến cho doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vơi đi khó khăn phần nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.