Với tên gọi “Lilly Airways", thực khách sẽ được trải nghiệm bữa ăn trong khu vực cabin máy bay nằm dưới mặt đất. Li Liang, một doanh nhân người Trung Quốc đã mua chiếc máy bay của hãng hàng không Indonesia Batavia Air vào tháng 5.2015.
Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng xử lý các thủ tục hải quan, máy bay mới nhận được giấy phép để làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc. “Tháo dỡ, vận chuyển, xin giấy phép kinh doanh, kê khai thương mại… là hàng loạt các thủ tục không thể bỏ qua và tôi phải hoàn thành từng bước một. Trước đó, chưa ai từng làm điều này” - doanh nhân họ Li chia sẻ.
Nhà hàng máy bay đầu tiên ở Trung Quốc.
Được biết, người ta phải tháo rời chiếc Boeing 737 thành từng phần, dùng tới 70 chiếc container để vận chuyển trong cuộc hành trình dài 4 tháng từ Indonesia về Vũ Hán. Tổng chi phí mua máy bay và giá vận chuyển lên tới 3 triệu nhân dân tệ.
Sau đó, vị doanh nhân này tiếp tục “mở hầu bao” thêm 5 triệu nhân dân tệ để thiết kế, biến máy bay cũ thành nhà hàng sang trọng. Với chi phí khổng lồ, nhà hàng máy bay đã trở thành một trong những nhà hàng đắt nhất thế giới.
Hiện máy bay nằm trên một tuyến phố dành cho người đi bộ ở Vũ Hán. Đây cũng là một trong những tuyến đường thuộc khu mua sắm sầm uất nhất thành phố. Doanh nhân Li đã sẵn sàng chào đón những thực khách đầu tiên muốn trải nghiệm sự mới lạ và tín đồ mê máy bay.
Không gian nhà hàng nằm hoàn toàn bên trong khu vực cabin của máy bay. Trong khi đó, buồng lái được chuyển đổi thành buồng mô phỏng bay. Qua đó, thực khách có thể trải nghiệm nhiều điều và tìm hiểm thêm thông tin về một chiếc máy bay thương mại.
Đây là một trong những nhà hàng có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất.
Bữa tối ở Lilly Airways có mức giá từ 200 - 300 nhân dân tệ (khoảng 670.000 đồng - 1 triệu đồng). Nếu muốn trải nghiệm bữa ăn trong buồng lái, thực khách sẽ trả mức phí từ 300 - 400 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng - 1.3 triệu đồng).
Một nhà hàng trên báy may ở Ethiopia.
Hiện trên thế giới từng xuất hiện những nhà hàng thiết kế trong lòng máy bay thương mại cũ. Một doanh nhân có tên Guttama Gutta từng đầu tư khoảng 1.5 triệu USD mua lại máy bay và thiết kế thành nhà hàng nổi tiếng ở thị trấn Burayu, cách thủ đô Ethiopia khoảng 15km về phía tây. Nhà hàng có thể phục vụ thực khách cả trong và ngoài máy bay, với sức chứa hơn 60 khách một lúc.
Nhà hàng The Airplane nằm bên trong chiếc Boeing KC-97 đã ngừng hoạt động.
Một nhà hàng máy bay khác mang tên The Airplane ở thành phố Colorado Springs, Mỹ, cũng thiết kế trong không gian chiếc Boeing KC-97 đã ngừng hoạt động. Bên trong có quầy bar, nhà hàng, cùng những vật dụng liên quan tới ngành hàng không.
Xem thêm: Khỏa thân thưởng thức bánh kẹp và sườn nướng trong nhà hàng ở Đức
Hoàng Hà (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.