Tưởng niệm, cầu nguyện cho những người qua đời vì Covid 19
Thượng tọa, ĐBQH Thích Đức Thiện: Tưởng niệm, cầu nguyện cho những người qua đời vì Covid 19 là việc rất đáng làm
Lương Kết (thực hiện)
Thứ ba, ngày 10/08/2021 08:35 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, chính quyền cùng với các tôn giáo tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho các vong linh của những nạn nhân tử vong do dịch Covid-19 là việc hoàn toàn nên làm
Mới đây khi trả lời trên báo chí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, liên quan đến ý kiến đề xuất của người dân tổ chức cầu siêu hoặc quốc tang cho người tử vong do Covid-19, Thành phố đã tiếp nhận các góp ý này và sẽ báo cáo để xin ý kiến Trung ương. Xung quanh vấn đề này, PV có trao đổi với đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hình thức tang lễ nào thể hiện được tình cảm với người quá cố mới là ý nghĩa
Là đại biểu Quốc hội, là Tu sĩ Phật giáo, Thượng tọa có suy nghĩ gì về đề nghị của người dân ở TP.HCM?
- Quốc tang thường được các nước trên thế giới tổ chức tang lễ cho các những người có công lao đặc biệt với đất nước, thể hiện sự tôn kính của toàn dân với người đó. Ở Việt Nam chúng ta cũng có hướng dẫn, quy định việc tổ chức quốc tang, song cũng chưa xây dựng thành bộ luật. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng đã có đại biểu đề nghị thực hiện nghi thức quốc tang đối với trường hợp có nhiều đồng bào bị thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai, mưa lũ sạt lở như ở miền Trung năm 2020. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thực hiện được.
Nhưng điều cốt yếu là bất kỳ hình thức tang lễ nào thể hiện được tình cảm của người dân đối với người quá cố mới là ý nghĩa. Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19 được nhà tang lễ tại TP.HCM, lực lượng quân đội của Bộ Tư lệnh Thành phố đã thành tâm hương khói trang nghiêm, đưa các hũ cốt của người quá cố về quê hương, các chùa đều tổ chức lễ cầu siêu cho các vong linh tử vong do dịch Covid-19 thể hiện sự thành kính, phân ưu sâu sắc đối với các gia đình nạn nhân.
Trong bối cảnh các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, do đó không có điều kiện tổ chức tang lễ theo phong tục văn hóa tâm linh truyền thống thì nguyện vọng của người dân TP.HCM là hết sức được chia sẻ. Chúng ta cùng nhau làm điều gì đó để an ủi người dân an tâm cùng đoàn kết, giữ vững niềm tin, chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Việc tổ chức cầu siêu (thực hiện khi không còn giãn cách xã hội) đối với những người tử vong vì dịch Covid-19 là việc rất đáng làm, thưa Thượng tọa?
- Chính quyền cùng với các tôn giáo tổ chức tưởng niệm cầu nguyện cho các vong linh của những nạn nhân tử vong do dịch Covid-19 là việc hoàn toàn nên làm. Sau khi kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, chúng ta sẽ tổ chức đại lễ tưởng niệm, cầu siêu lớn để hồi hướng cho các nạn nhân tử nạn như các đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang, hay các đại lễ tưởng niệm cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã làm trong những năm qua để an ủi, xoa dịu nỗi đau thương của các gia đình nạn nhân.
Chia sẻ nỗi đau với thân nhân người xấu số vì Covid-19
Cùng với Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức những hoạt động gì để sẻ chia, an ủi cho những số phận không may qua đời vì dịch bệnh, thưa Thượng tọa?
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát đi thông điệp chia sẻ đau thương với những gia đình có người thân tử nạn do dịch bệnh Covid-19 hay quá cố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội mà không tổ chức được tang lễ theo nghi thức phong tục tâm linh truyền thống bằng cách kêu gọi các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thiết lập trai đàn cầu siêu cho các nạn nhân tử nạn.
Trong công văn 194/HĐTS-VP1 do Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ấn ký đồng thời đề nghị các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố phối hợp với Chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức tang lễ, cầu siêu, và sắp xếp các chùa có tháp thờ tro cốt tiếp nhận miễn phí, thờ phụng trang nghiêm, quản lý chặt chẽ, có danh sách cụ thể các hũ tro cốt của các nạn nhân tử vong, những người thân quá cố trong thời gian đang thực hiện giãn cách chống dịch Covid-19 hiện nay.
Cụ thể, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã thống nhất với UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, với Bộ Tư lệnh TP.HCM về việc quyết định chọn chùa Long Hoa, tọa lạc tại số 44 Trần Minh Quyền, phường 11, quận 10 làm nơi thờ tro cốt của người dân qua đời vì dịch Covid-19 chưa có thân nhân tiếp nhận, hoặc người thân đang còn điều trị tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, và còn đang trong điều kiện phong tỏa cách ly.
Tại đây, hàng ngày được nhà chùa tụng kinh, thắp hương nến và cúng lễ chu tất theo nghi thức tâm linh truyền thống. Tất cả những việc làm này nhằm chia sẻ một phần nỗi đau mất mát của các thân nhân gia đình, an ủi động viên người dân tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để cùng đẩy lùi dịch bệnh mong cuộc sống bình thường sớm trở lại.
Theo Nghị định của Chính phủ, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế,
Vui lòng nhập nội dung bình luận.