Với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo, đạt 55 phiếu trong khi số phiếu chống là 43, Thượng viện Mỹ đã nhất trí với Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn. Tuy nhiên, để nghị quyết này chính thức có hiệu lực, cần được Hạ viện Mỹ thông qua trước khi trình Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn.
Thắng lợi bước đầu ở thị trường Mỹ
Theo nhận định của Vasep, mặc dù nghị quyết này sẽ còn phải được đưa qua Hạ viện Mỹ để bỏ phiếu thông qua rồi mới được đưa lên trình Tổng thống Barack Obama để ký Sắc lệnh ban hành, tuy nhiên đây là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện.
Sản xuất cá tra xuất khẩu sang Mỹ tại doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: T.H
Từ 7 triệu pao trong năm 2004, khối lượng cá tra philê đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ tăng vọt lên 215 triệu pao năm 2014. Hiện tại, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 4.2016, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
|
Theo đó, nếu được cả Hạ viện thông qua thì gần như chắc chắn rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký Sắc lệnh ban hành việc hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn trong Luật Nông nghiệp 2014. Nguyên nhân là trong thời gian qua, Nhà Trắng và đích thân Tổng thống Obama cũng đã khẳng định rằng, đây là chương trình lãng phí, không cần thiết và đề nghị không cấp ngân sách hoạt động cho chương trình này.
Được biết, các thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ nghị quyết đã nêu rõ tính chất trùng lặp, lãng phí, không cần thiết và bảo hộ thương mại của chương trình giám sát trên, nhấn mạnh nguy cơ gây tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hậu quả là các biện pháp trả đũa của các nước nhằm vào xuất khẩu nông sản của Mỹ.
Vasep cho rằng, đây là một tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, đồng thời giảm áp lực cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam trước nhiều rào cản khó khăn hiện có tại thị trường này.
Về phía Mỹ, từ năm 2008, Quốc hội Mỹ đã thay đổi Luật An toàn thực phẩm, để USDA giám sát cá tra và cá da trơn thay Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA). Tuy nhiên việc chuyển giao cơ quan giám sát đến tháng 4.2015 mới chính thức được thực hiện.
Khi xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng mạnh và lọt top 10 loài thủy sản được yêu thích nhất năm 2011, phần lớn người nuôi cá da trơn tại Mỹ ủng hộ chương trình thanh tra của USDA và cho rằng hoạt động thanh tra của FDA quá lỏng lẻo.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan chức và người dân Mỹ lại phản đối, trong đó có sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), Thượng nghị sĩ McCain và Văn phòng trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO). NFI cho rằng, chương trình này không hướng đến an toàn thực phẩm mà là quyết tâm loại trừ hàng nhập khẩu.
Theo GAO, chương trình của USDA lãng phí gấp 8 lần các chương trình thanh tra khác. Cụ thể, hệ thống của FDA chỉ cần khoảng 700.000USD trong khi USDA tiêu tốn khoản ngân sách 14 triệu USD mỗi năm. Do đó, chương trình thanh tra cá da trơn đã gây tranh cãi nhiều năm liền trong nội các Mỹ và giới chuyên gia, doanh nghiệp.
Vẫn chưa thể “thở phào nhẹ nhõm”
Dù được Thượng viện Mỹ bác bỏ nhưng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam vẫn phải chờ kết quả từ Hạ viện và Tổng thống Mỹ thông qua sắc lệnh đồng ý bác bỏ. Khi đó, cá da trơn Việt Nam mới chính thức thoát khỏi cảnh “một cổ nhiều tròng” tại thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Phước Bửu Huy – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cadovimex II (Đồng Tháp), cho rằng, ông và một số đồng nghiệp khá bất ngờ trước thông tin Thượng viện Mỹ bác bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn. Vì trước đó, sau nhiều năm trì hoãn, đến cuối năm 2015, phía Mỹ có phần quyết tâm thực hiện chương trình này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được yêu cầu đăng ký danh sách để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.
Theo nhận định của ông Huy, tỷ lệ phiếu bác bỏ chương trình này ở Hạ viện Mỹ có thể cũng sẽ khá cao, do áp lực từ nhiều ý kiến cho rằng chương trình giám sát cá da trơn gây tốn kém và chồng chéo chức năng.
Hơn nữa, ông Huy hy vọng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa qua, mối quan hệ trên các lĩnh vực, trong đó có thương mại, giữa Việt Nam – Mỹ được cải thiện nhiều hơn. Phía Mỹ sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tiếp tục đăng ký danh sách để được xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ . Tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường này.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL lại lo lắng rằng, sự việc sẽ diễn ra tương tự năm 2013. Khi đó, Thượng viện Mỹ bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn nhưng không được Hạ viện đồng ý. Do vậy, chương trình này vẫn tiếp tục kéo dài và gây tranh cãi trong cả nội các Mỹ và giới chuyên gia, doanh nghiệp. “Trong khi chờ đợi kết quả từ Hạ viện Mỹ thì doanh nghiệp vẫn không được lơ là, phải chuẩn bị tinh thần thay đổi và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khó khăn nhất của phía nhà nhập khẩu. Có vậy, mới phát triển được” - ông Ngô Phước Bửu Huy nhấn mạnh.
Để tránh gây gián đoạn xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và một số cơ quan liên quan đã phối hợp với VASEP thực hiện các giải pháp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Mỹ. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.