Thụy Điển: Băng cướp đi trực thăng một thời làm bẽ mặt cảnh sát

Thứ bảy, ngày 20/07/2019 21:31 PM (GMT+7)
Vụ cướp táo tợn nhất trong lịch sử Thụy Điển xảy ra tại nhà kho tiền mặt của công ty an ninh G4S ở Vastberga vào năm 2009. Trong vụ việc này, những tên cướp đã cài sẵn bom vào khu vực máy bay của cảnh sát rồi di chuyển trên một chiếc trực thăng, xông vào nhà kho cướp tiền mặt.
Bình luận 0

Vụ cướp như phim hành động

5h19 sáng 23/9/2009, cảnh sát quận Vastberga, phía Nam thành phố Stockholm của Thụy Điển nhận được tin báo về một vụ cướp có vũ trang đang xảy ra ở kho tiền mặt thuộc công ty an ninh G4S ở Vastberga. 

Theo lời khai của một nhân viên ở tòa nhà Cục quản lý đường sắt quốc gia đối diện hiện trường vụ việc, khoảng 5h15, anh đã nhìn thấy một chiếc trực thăng bay tới rồi đậu trên nóc tòa nhà đặt kho tiền. Khi chiếc máy bay gần tiếp đất, một toán người từ trong máy bay đã nhảy ra.

img

Chiếc trực thăng được băng cướp sử dụng

Những người đàn ông bịt kín mặt sau đó đã dùng búa tạ đập vỡ những tấm kính được gia cố trên nóc tòa nhà để xâm nhập vào bên trong. 

Một nhân chứng tên Bjorn Lockstrom thì cho hay, anh nghe thấy khoảng ba tiếng nổ lớn. Cảnh sát về sau xác định những tiếng nổ này là do những tên cướp kích hoạt những khối thuốc nổ chúng mang theo bên mình để phá cửa an ninh cũng như két sắt chứa tiền ở trong tòa nhà.

Vẫn theo các nhân chứng ở Cục quản lý đường sắt quốc gia, ít phút sau, họ thấy nhóm người vừa xông vào tòa nhà vác ra vài bao tải lớn, được cho là những bao tải chứa tiền, và buộc vào sợi dây thừng được thả từ máy bay xuống để những tên có mặt trên máy bay kéo lên. 

Sáu phút sau khi nhận được tin báo, những cảnh sát tuần tra đầu tiên đã có mặt tại hiện trường. Song, họ lại được yêu cầu phải chờ đợi cho đến khi Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm quốc gia đến do một số nguồn tin cho biết những kẻ đang ở bên trong tòa nhà có mang theo súng tiểu liên. Trong lúc đó, những tên cướp vẫn tiếp tục buộc những bao tải tiền vào dây thừng để kéo lên máy bay. 

Vì trước khi gây án, những tên cướp đã cho rải chông sắt ở quanh tòa nhà nhằm cản trở việc tiếp cận của cảnh sát nên phải 10 phút sau đó, vào lúc 5h35 phút, Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm quốc gia mới bắt đầu tiến được vào bên trong tòa nhà. Lúc đó, chiếc máy bay trực thăng cũng đã cất cánh khỏi nóc nhà và bắt đầu quay đầu hướng về phía Bắc. 

Trước các diễn biến này, cảnh sát Stockholm quyết định huy động máy bay trực thăng của họ tại căn cứ Myttinge trên đảo Varmdo gần đó để đuổi theo chiếc máy bay chở những tên cướp. Tuy nhiên, một lần nữa những kẻ cướp tỏ ra cực kỳ xảo quyệt và tinh quái khi chúng cũng đã cài sẵn ở trên chiếc máy bay trực thăng một chiếc túi có chữ “bom”, khiến cảnh sát không dám tiếp cận và cho máy bay cất cánh vì sợ có bom thật. 

Búa rìu dư luận” với cảnh sát

Đến 7h00 sáng, cảnh sát thông báo họ đã tiến hành kiểm tra xung quanh tòa nhà và xác nhận không có người nào trong tổng số 21 nhân viên của G4S bị thương trong vụ tấn công. Các nhân viên của G4S được hộ tống ra khỏi tòa nhà một cách an toàn. Cảnh sát đã lập tức cho dựng thêm những hàng rào xung quanh tòa nhà để phong tỏa hiện trường, ngăn chặn người ngoài tiến vào bên trong đó. 

Đến 8h15 cùng ngày, cảnh sát thông báo đã tìm thấy chiếc máy bay trực thăng được sử dụng trong vụ cướp tiền ở một bìa rừng gần Skavloten ở Arninge, phía Bắc Stockholm, cách hiện trường vụ cướp khoảng 30km. Chiếc trực thăng được xác định là một máy bay Bell 206 Jet Ranger II, bị đánh cắp khỏi một nhà chứa trực thăng ở Norrtalje, phía Bắc Stockholm rạng sáng 23/9/2009.

Đến 13h00 cùng ngày, những “quả bom” tại căn cứ Myttinge mới được vô hiệu hóa hoàn toàn nhưng lúc đó đã là quá muộn, những tên cướp đã cao chạy xa bay từ lâu. Trên thực tế, đó chỉ là bom giả, được những tên cướp đặt sẵn hòng đe dọa cảnh sát. 

img

Kho tiền nơi xảy ra vụ cướp táo tợn

Những diễn biến dồn dập đầu tiên của vụ việc kết thúc vào lúc 15h00 ngày 23/9/2009, khi cảnh sát tổ chức một cuộc họp báo để cung cấp các thông tin ban đầu của vụ cướp. Thông tin tại cuộc họp cho biết đây là vụ cướp sử dụng máy bay trực thăng đầu tiên trong lịch sử Thụy Điển. Với mức độ phạm tội chưa từng có này, giới chức Thụy Điển đã kêu gọi sử dụng tất cả các nguồn lực của cảnh sát trên khắp cả nước nhằm truy lùng thủ phạm.

Vụ cướp táo tợn nói trên xảy ra chỉ 3 hôm trước ngày 25, là ngày mà người dân ở Thụy Điển sẽ được nhận lương hàng tháng nên tại thời điểm bị tấn công, cũng giống như nhiều kho chứa tiền dịch vụ khác, nhà kho G4S  đã được chất đầy tiền mặt.

Theo truyền hình địa phương, nhà kho này là nơi chứa tiền mặt để cung cấp cho tất cả các máy rút tiền tự động ở khắp Stockholm cũng như tiền của một số ngân hàng và doanh nghiệp ở địa phương. G4S không tiết lộ số tiền đã được cất ở nhà kho tại thời điểm xảy ra vụ cướp nhưng theo một số nguồn tin, nhà kho lúc đó đang có hàng chục triệu USD và những tên cướp đã lấy đi được 5,3 triệu USD.

Vụ việc đã khiến cảnh sát Thụy Điển bị chỉ trích nặng nề vì đã để máy bay trực thăng của họ ở một bãi đáp trực thăng không có người trông coi, khiến cho những tên trộm có thể dễ dàng đặt bom giả. Truyền thông nước này cũng chỉ trích cảnh sát vì đã không bắn những tên cướp khi chúng tẩu thoát lên trực thăng.

Về phía G4S, ban lãnh đạo công ty đã treo giải thưởng 7 triệu kronor Thụy Điển (tương đương khoảng 1,01 triệu USD) cho người cung cấp thông tin có thể giúp bắt giữ, kết án những kẻ phạm tội hay thu hồi được tiền bị lấy đi.

Sàng lọc 300.000 cuộc gọi tìm thủ phạm

Cuộc điều tra vụ cướp sau đó được đánh giá là chiến dịch lớn nhất mà cảnh sát Thụy Điển đã tiến hành kể từ sau vụ sát hại của cố Ngoại trưởng nước này Anna Lindh vào năm 2003. Cảnh sát Thụy Điển đã được điều động bủa đi khắp nơi hòng tìm kiếm tung tích của những kẻ phạm tội từ những manh mối ít ỏi được tìm thấy ở hiện trường vụ cướp và trên chiếc máy bay bị bỏ lại. 

Trong khuôn khổ cuộc điều tra này, chỉ trong bốn ngày sau vụ việc, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra 18.000 số điện thoại và hơn 300.000 cuộc gọi được thực hiện ở khu vực Stockholm. Qua sàng lọc, họ xác định 14 số điện thoại đáng ngờ, đều là những số trả trước có thể dễ dàng vứt bỏ, được sử dụng nhiều ở thời điểm xảy ra vụ cướp.

Những số này chỉ gọi cho nhau trong ít tuần trước vụ cướp và sau buổi sáng 23/9, không số nào được sử dụng tiếp. Cùng lúc, cảnh sát cũng lần tìm danh sách những người có bằng phi công ở nước này với hy vọng có thể xác định được người đã lái chiếc trực thăng bị đánh cắp. 

Kết quả thống kê cho thấy, đến tháng 9/2009, có tổng cộng 552 người ở Thụy Điển được cấp bằng lái máy bay. Con số này không phải là ít, cộng với việc thủ phạm có thể là người nước khác nên cảnh sát đã kết hợp kiểm tra lý lịch phạm tội cùng các chi tiết khác trong tiểu sử của những người được cấp bằng lái để sàng lọc.

Trong số đó, họ phát hiện có tên Alexander Eriksson, một nhà sản xuất truyền hình khi đó 34 tuổi, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Eriksson từng hai lần bị kết tội tàng trữ ma túy và vũ khí trái phép. Máy bay trực thăng của anh ta cũng được để ở cùng khu đáp máy bay ở Norrtalje, nơi giữ chiếc máy bay được sử dụng trong vụ cướp.

Các phát hiện này cùng một số bằng chứng thu được từ các hoạt động nghiệp vụ điều tra khác giúp cảnh sát Thụy Điển sau đó xác định được năm kẻ tham gia vụ cướp táo tợn, bao gồm: Alexander Eriksson (giữ vai trò lái máy bay), Saha Kadhum, Charbel Charro, Mikael Sodergran, Goran Bojovic. Sau khi bị bắt giữ, cả nhóm nhanh chóng thú nhận hành vi của mình. 

Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 10/2010, Eriksson và Kadhum đã bị kết án 7 năm tù giam, Charro và Sodergran: 5 năm tù giam còn Bojovic nhận bản án 3 năm tù giam. Ngoài ra, 2 người khác cũng đã phải nhận 2 năm tù giam về việc che giấu hành vi phạm tội của nhóm trên cùng 2 năm tù giam. 

Vụ việc nói trên cũng đã dấy lên làn sóng những khuyến nghị để bảo vệ Thụy Điển khỏi các vụ cướp tiền mặt. Trong đó, giới chức Thụy Điển đã nhiều lần đề xuất áp dụng một hệ thống đánh dấu tiền sử dụng khoa học ADN có tên SmartDNA.

Theo đề xuất này, tiền mặt sẽ được phun, tẩm ADN thực vật, để mẫu ADN xuất hiện trên cả những tờ tiền bị lấy đi hay những vật dụng được sử dụng trong quá trình cướp tiền mặt. Vì mã số trong mẫu ADN in trên tiền sẽ không thể sao chép được nên khi cảnh sát thu hồi được những đồng tiền bị đánh cắp, họ sẽ có thể dễ dàng kết nối những tang vật này với vụ phạm tội.

Minh Ngọc (Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem