Quan điểm trái ngược nhau
Thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nhà máy Thủy điện Hố Hô được đưa vào vận hành năm 2010 nhưng ngay sau đó bị trận lũ lịch sử tàn phá nên đến đầu năm 2013 nhà máy mới chính thức vận hành trở lại. Đây không phải lần đầu tiên thủy điện này xả lũ gây hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng dân cư.
Theo ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô những ngày qua là chưa đảm bảo quy trình. Ngoài ra, thời điểm xả lũ lại vào buổi tối, thời gian thông báo quá gấp, nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Vì vậy, việc xả lũ của thủy điện gây thiệt hại cho người dân ở hạ du có phần trách nhiệm chính của thủy điện.
Người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) giúp nhau cứu vớt vật nuôi trong dòng nước lũ. Huyện Hương Khê bị ngập lụt nặng nề có phần do Thủy điện Hố Hô xả lũ. ảnh:Hữu Anh
Trước đó, vào sáng 15.10, qua kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng việc Thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m3/s - 1.800m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô, thừa nhận: "Vào khoảng 18 giờ 30 ngày 14.10, mưa lớn khiến bờ phải của nhà máy bị sạt trượt, an toàn của nhà máy cũng như các công nhân đang làm việc bị đe dọa nên chúng tôi quyết định dừng vận hành nhà máy, mở cửa xả tràn với mức 1.800m3/s. Lúc quyết định xả tràn vào 18 giờ 30 ngày 14.10, chúng tôi có gọi điện cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du để thông báo".
Theo ông Thông, việc nhà máy thủy điện mở hết các cửa xả tràn là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn. Nếu lũ tiếp tục tăng cường thì sẽ gây nguy hiểm cho cả vùng hạ du và công trình nên việc xả nước từ thủy điện là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy, đến ngày 17.10, thông cáo báo chí của Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn - đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Hố Hô lại có nội dung hoàn toàn trái ngược: Việc xả lũ của Thủy điện Hố Hô đúng quy trình (?).
Chưa có kết luận cuối cùng, nhưng với lập luận của phía thủy điện, có thể những thiệt hại của người dân vùng lũ từ những “bom nước” của đập thủy điện lại có nguy cơ không nhận được bồi thường thỏa đáng.
Vì lợi ích, bất chấp rủi ro?
Chiều ngày 17.10, Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn, đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Hố Hô vẫn khẳng định, trong quá trình đợt lũ từ ngày 12 - 15.10 công ty đã vận hành công trình điều tiết lũ phù hợp với các quy trình được duyệt và không làm tăng nguy cơ thiệt hại cho vùng hạ du.
|
Nhà máy Thủy điện Hố Hô có công suất lắp máy 14 MW (gồm 2 tổ máy) với hồ điều tiết ngày có dung tích hữu ích là 6 triệu m3. Dung tích toàn bộ hồ chứa là 38 triệu m3; Đập bê tông trọng lực. “Trước mùa mưa lũ năm 2016, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã được UBND 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” - đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn cho biết.
Trao đổi với NTNN, GS-TSKH Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết: “Bất kỳ một nhà máy thủy điện nào cũng có quy trình xả lũ được nghiên cứu, xem xét và phê duyệt kỹ càng. Trong câu chuyện Thủy điện Hố Hô xả lũ, đúng là có mâu thuẫn, khi nhà máy khẳng định mình xả lũ đúng quy trình, còn chính quyền địa phương lại nói nhà máy thông báo không kịp thời khiến chính quyền không thể thông báo sớm cho người dân. Tôi cho rằng, đã có quy định pháp luật rõ ràng, cơ quan chức năng muốn kiểm tra đúng sai thế nào không hề khó, hoàn toàn có thể kiểm tra được”.
Đồng quan điểm trên, GS-TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, nguyên tắc của các hồ chứa là tích nước về mùa mưa và xả nước về mùa khô. Tuy nhiên, khác với hồ thủy lợi, hồ thủy điện vẫn phải tính đến mức nước đủ để sản xuất điện, tức là phải tính đến hiệu quả kinh tế. Chính vì thế nên rất dễ xảy ra rủi ro.
“Các thủy điện nhỏ cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế. Có thể họ tích nước quá sớm vì sợ hạn hán. Nhưng đúng ra cơ quan chức năng phải có thông báo kịp thời cho họ là bão, lũ sẽ về để họ biết trước và xả bớt nước đi. Nếu chờ đến lúc lũ về mới xả thì quá muộn. Còn nếu không xả, để xảy ra vỡ đập thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều” - ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, cần đặt câu hỏi ngược lại với cơ quan chức năng trên địa bàn là trước khi có mưa, lũ về, có đơn vị nào thông báo cho thủy điện xả nước hay không? Ngay cả khi thủy điện tích nước, có đơn vị nào tới để kiểm tra tích nước bao nhiêu không? Nếu thủy điện xả nước sớm, lũ không về thiệt hại cho phát điện thì cơ quan chức năng có hỗ trợ họ, giảm thuế hay miễn thuế cho họ hay không?
Theo ông Hồng, lỗi không chỉ từ phía Nhà máy Thủy điện Hố Hô mà còn có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan. “Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo loại bỏ 400 dự án thủy điện nhỏ, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều thủy điện nhỏ và vừa, chiếm khoảng gần 20% sản lượng điện của cả nước. Câu chuyện của Thủy điện Hố Hô không phải lần đầu tiên xảy ra mà đã xảy ra rất nhiều. Do đó, theo tôi để hỗ trợ các thủy điện nhỏ có quy trình vận hành đúng, an toàn, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, họ cũng cần phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp” - ông Hồng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.