Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Không có khả năng cắt lũ, "vô hiệu hóa" trạm thủy văn
Hoàng Chiên
Thứ sáu, ngày 13/11/2020 08:35 AM (GMT+7)
Những Dự án thủy điện nhỏ hầu như không có khả năng cắt lũ bởi không có hồ chứa. Bên cạnh đó thủy điện nhỏ sử dụng cột nước thấp phần lớn có cửa xả tràn, thậm chí không thể phát điện khi nước lũ sông lên cao.
Hiện nhiều công trình thủy điện nhỏ ở Lai Châu đã và đang bộc lộ nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng,. Còn tại Lào Cai một công trình thủy điện đang xây dựng khiến Trạm thủy văn duy nhất trên sông Chảy tồn tại 50 năm qua phải di chuyển, nếu không sẽ "nhấn chìm".
Thủy điện nhỏ không có khả năng cắt lũ
Đi dọc quốc lộ 4D đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chỉ vài km đã có 4 dự án Nhà máy thủy điện nhỏ. Trong đó, Dự án nhà máy thủy điện Nậm Thi 2, thủy điện Chu Va 1 đã đi vào vận hành.
Thủy điện Nậm Thi 1 đang trong quá trình làm các thủ tục trong chủ trương đầu tư vì liên quan đến rừng đặc dụng, phòng hộ nên cần có Quyết định chuyển đổi của Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm hiện tại ở xã Sơn Bình thủy điện Chu Va 2 có Công suất 12MW do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Thăng Long làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Cuối tháng 10/2020 có mặt tại công trường thi công dự án, PV chứng kiến hàng chục người đang vận hành máy móc, thi công nhà máy.
Từ phía đỉnh núi cao, một tuyến đường đã được phát tuyến để xây dựng ống dẫn nước chạy thẳng qua đồng ruộng của người dân.
Dự án thủy điện Chu Va 2 từ khi triển khai xây dựng đã làm ảnh hưởng đến gần 60 hộ dân, giữa chủ đầu tư và bà con xảy ra vướng mắc trong quá trình thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng. Sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trước đó, Dự án thủy điện Chu Va 2 cũng bị cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu phát hiện xây dựng khi chưa được giao đất và khai thác khoáng sản trái quy định.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay: "Thủy điện Chu Va 2 đang còn vướng mắc 4 hộ dân muốn được bồi thường cao hơn giá đất quy định của tỉnh, gồm hộ bà Vàng Thị Di, Vàng A Sử, Hàng A Văng… ở bản Chu Va 8, họ bị mất đất ruộng, bà con mong muốn giá cao hơn nên chưa đồng ý bàn giao. Hiện đang chờ chỉ đạo của tỉnh.
Chúng tôi làm đủ các biện pháp tuyên truyền rồi nhưng họ đưa ra lý do là đất đẹp hơn của các hộ khác. Bà con tư tưởng là chủ đầu tư phải thỏa thuận đến khi đồng ý giữa hai bên".
Còn ông Bùi Văn Cường, Trưởng phòng Năng Lượng, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu - cho biết: "Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi xây dựng do chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Hiện một số công trình trên địa bàn xảy ra vướng mắc do chưa thỏa thuận được với người dân. Trong thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển những dự án đã được đưa vào quy hoạch, bởi đây là tiềm năng lớn của tỉnh".
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lai Châu trên địa bàn tỉnh có 137 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất 3.974,8MW, trong đó có 3 thủy điện lớn là Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát. Năm 2019 các công trình thủy điện thực hiện nghĩa vụ tài chính đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Tính từ năm 2005 đến tháng 10/2020 toàn tỉnh Lai Châu có 21 thủy điện vận hành, 28 dự án đang xây dựng, các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục pháp lý.
"Đối với thủy điện nhỏ ngoài nhiệm vụ phát điện, không có chức năng cắt lũ bởi thủy điện xây ở nơi có độ dốc cao, hồ chứa không lớn" - ông Cường thông tin thêm.
Thủy điện nhỏ "vô hiệu hóa" Trạm thủy văn
Trạm Thủy văn Bảo Yên trên sông Chảy được đặt tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã phát huy hiệu quả 50 năm qua, góp phần quan trọng trong phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc vận hành hồ thủy điện Thác Bà.
Nhờ có Trạm thủy văn Bảo Yên các thông số được kết nối dữ liệu để đánh giá, dự báo tình hình thiên tai, bão lũ.
Trạm đo đạc yếu tố mực nước, lượng mưa, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, lưu lượng nước và lưu lượng chất lơ lửng phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai tại địa phương, vận hành hồ chứa Thác Bà, vận hành liên hồ chứa khu vực sông Hồng.
Vậy nhưng, thời gian gần đây, những người làm việc tại Trạm thủy văn Bảo Yên như ngồi trên đống lửa, do thời gian qua việc đo đạc, quan trắc đã gặp khó khăn bởi việc tích, xả nước của hai nhà máy thủy điện Vĩnh Hà và Bắc Cuông trên thượng nguồn khiến mực nước sông lên xuống bất thường trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, từ khi Dự án nhà máy thủy điện Phúc Long được triển khai xây dựng chỉ cách Trạm thủy văn Bảo Yên khoảng 4km về phía hạ lưu, trong thời gian tới, khi thủy điện dâng nước Trạm thủy văn Bảo Yên sẽ chẳng bình yên được vì bị ngập sâu trong lòng hồ.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Bá Hòa, Trạm trưởng Trạm thủy văn Bảo Yên - cho biết: "Thủy điện Phúc Long xây dựng dâng nước ảnh hưởng là chắc chắn. Hiện giữa hai bên đang làm việc để chuyển Trạm đi, vì Trạm thuộc quản lý của Bộ TN&MT. Hiện đang vướng mắc giữa hai bên vì liên quan đến hai bộ".
Được biết, thời gian qua giữa hai ngành Tài nguyên và Môi trường và ngành Công thương tỉnh Lào Cai đã nhiều lần làm việc với các bên liên quan.
"Nhưng cấp trên chưa thống nhất xong, thủy điện dâng nước chắc chắn ảnh hưởng, giờ mình duy trì, nếu không di chuyển thì họ (thủy điện Phúc Long - PV) xây xong cũng không được tích nước" - ông Hòa nói.
Vị Trạm trưởng Trạm thủy văn Bảo Yên chia sẻ thêm: "Còn nếu chuyển Trạm thì phải chuyển cả công trình".
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Yên - cho biết: "Trạm thủy văn Bảo Yên thì các bên đã làm việc với Bộ TN&MT giờ đã tìm được chỗ mới, thời gian tới Sở TN&MT xuống kiểm tra và xác nhân vị trí thì chuyển, còn mọi chi phí xây dựng, chuyển đi, thủy điện Phúc Long chi trả".
Ông Hà khẳng định: "Đúng là trong quá trình làm cũng có ảnh hưởng đến Trạm thủy văn Bảo Yên. Đó là trạm quan trắc cho cả hệ thống sông Chảy nên rất quan trọng".
Theo Văn bản số 1495/UBND-KT về ảnh hưởng của thủy điện Phúc Long đến việc quan trắc, đo đạc của Trạm thủy văn, của UBND tỉnh Lào Cai gửi Bộ TN&MT ngày 9/4/2020 thì các bên liên quan đề xuất điểm xây mới Trạm thủy văn Bảo Yên ở một vị trí khác phù hợp trên sông Chảy, mọi chi phí xây dựng mới do chủ đầu tư thủy điện Phúc Long chi trả và chỉ được dâng nước phát điện khi Trạm thủy văn mới đi vào vận hành ổn định.
Dự án Nhà máy thủy điện Phúc Long (Công ty CP thủy điện Phúc Long làm chủ đầu tư) được xây dựng trên địa bàn xã Long Phúc, huyện Bảo Yên với công suất lắp máy 22MW, với tổng số vốn đầu tư dự tính 757 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã triển khai thi công từ Quý I năm 2019, đây là công trình thủy điện lớn nhất huyện Bảo Yên, công trình được xây dựng trên sông Chảy, hạ lưu của thủy điện Vĩnh Hà, thượng lưu của hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.