Thủy điện nhỏ, ẩn họa lớn: Có những dự án thủy điện nhỏ rất phản cảm
Anh Thơ (thực hiện)
Chủ nhật, ngày 15/11/2020 10:47 AM (GMT+7)
Theo ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cần có những rà soát, đánh giá khách quan về các dự án thủy điện nhỏ. Nếu không đảm bảo các yêu cầu phải kiên quyết xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, mưa lũ suốt hơn 1 tháng qua ở các tỉnh miền Trung có một phần nguyên nhân do các thủy điện nhỏ xả lũ. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thủy điện nhỏ trong khả năng cắt lũ, giảm lũ?
- Thực ra, phần lớn các dự án thủy điện nhỏ không có khả năng cắt lũ, giảm lũ vì dung tích của các hồ chứa đa phần rất nhỏ. Theo tôi quan sát, do vấn đề kinh phí nên đa phần các dự án thủy điện nhỏ không làm được hồ to.
Tương tự như vậy, các dự án thủy điện nhỏ ở miền Bắc cũng ít có khả năng cắt lũ, giảm lũ do dung tích hồ chứa rất nhỏ.
Cá biệt, có một số hồ là công trình cấp 1 ở các sông suối nhưng thực tế dung tích hồ chứa cũng không đáng kể, không cắt được lũ mà cũng không giảm được lũ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, không phải dự án thủy điện nhỏ nào cũng làm tăng lũ. Chỉ có điều nếu xả lũ đột ngột thì người dân phía hạ du rơi vào thế bị động. Hiện nay, số lượng ấy cũng không đáng kể.
Như vậy, nói thủy điện nhỏ là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt thì cũng chưa khách quan lắm đúng không, thưa ông?
- Theo tôi, hạn chế lớn nhất của các hồ thủy điện, đặc biệt là những dự án thủy điện lớn là khi tích nước sẽ giữ lại một lượng lớn phù sa bùn cát trong lòng hồ, điều này mới tác động vô cùng lớn đến hạ du, có thể góp phần làm gia tăng tình trạng xói lở.
Còn việc thủy điện nhỏ có tác động đến hạ du trong quá trình xả lũ hay không là do quy trình vận hành, nếu xả lũ đột ngột có thể tác động đến hạ du.
Hiện nay, việc vận hành hồ chứa trong mùa lũ là do Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, bản thân chủ đập cũng không có quyền.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trong mùa lũ đều có quy định các hồ được phép tích nước đến mức nào. Thực ra, cái đó kiểm soát dễ, đều có thể quan trắc bằng camera. Tuy nhiên, nếu buông lỏng quản lý, một số chủ hồ có thể dâng cao mực nước hơn so với quy định.
Còn vận hành hồ chứa khi đón lũ thì theo quy định vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ quy định, việc hạ mực nước xuống bao nhiêu cũng là do quyết định của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Nếu không dự báo tốt thì cũng khó vận hành để đón lũ tốt.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực dự báo của cơ quan tham mưu để vận hành hồ chứa một cách chủ động, linh hoạt.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các dự án thủy điện nhỏ cũng là một trong những thủ phạm gây mất rừng?
- Có nhưng không nhiều bởi các dự án thủy điện nhỏ có lòng hồ rất hẹp; một số dự án trong quá trình làm đường thi công có thể có tác động đến rừng.
Theo tôi, cái chính là phần lớn diện tích rừng sản xuất của ta đang trồng quá nhiều keo, loại cây này khả năng giữ nước, chống xói lở không cao.
Nhưng nếu nhìn vào con số hàng trăm thủy điện nhỏ đã và đang mọc lên ở miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc thì có vẻ như việc phát triển thủy điện nhỏ đang quá ồ ạt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng, cần có đánh giá khách quan về các dự án thủy điện nhỏ hiện nay, bởi thực tế, ở châu Âu người ta vẫn sử dụng thủy điện nhỏ.
Theo tôi, mặt tích cực của các dự án thủy điện là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, đóng góp cho ngân sách địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Do vậy, nếu dự án nào đáp ứng được yêu cầu thì khuyến khích cho phát triển.
Còn dự án nào qua đánh giá tác động môi trường nếu thấy có vấn đề thì kiên quyết xử lý. Như vậy, điều quan trọng là, các ngành chức năng cần rà soát tổng thể các dự án thủy điện nhỏ, đánh giá mặt được và chưa được để từ đó có cái nhìn khách quan hơn, chứ không nên phủ nhận hết vai trò của thủy điện nhỏ. Dự án nào có tác động đến vấn đề môi trường thì phải hạn chế.
Hiện nay, nhiều dự án thủy điện áp dụng công nghệ cột nước để làm nên đa số là trong hầm, đi trong núi nên diện tích hồ chứa không quá lớn.
Bên cạnh đó, cách đây vài ba năm cũng có ý kiến các dự án thủy điện nhỏ chủ yếu làm để khai thác gỗ là chính nhưng sau khi có Chỉ thị 13 của Ban Bí thư thì việc này được kiểm soát rất chặt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không hề dễ dàng.
Thực tế, đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, nhiều sông không có nhiều công trình thủy điện nhưng mưa lũ vẫn tơi bời. Do vậy, việc triển khai các dự án thủy điện ở từng địa phương nên tính toán đến sự phù hợp.
Ví như một số tỉnh Tây Nguyên cần cân nhắc khi triển khai các dự án thủy điện vì địa hình ở đây bằng phẳng, khi dâng nước lên thì diện tích ngập lớn.
Ngoài ra, nếu việc xây dựng công trình ở nơi có địa chất yếu có thể gây ra sự cố hồ đập; các sông suối miền Trung ngắn và dốc nên phải chú ý.
Còn các tỉnh miền núi phía Bắc có phù hợp cho phát triển thủy điện nhỏ không, thưa ông?
- Ở miền núi phía Bắc, vùng Điện Biên, Lai Châu địa hình tương đối phù hợp với thủy điện. Tuy nhiên, cũng có một số dự án khi triển khai rất phản cảm, nhất là ở những vùng tác động đến cảnh quan môi trường, trên các hệ thống sông chính tác động đến tình trạng xói lở, lắng đọng bùn cát.
Những dự án như vậy nên được rà soát lại và kiên quyết không nên cho triển khai.
Xin cảm ơn ông !
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp:
Nhiều dự án thủy điện nhỏ không kết nối với trung tâm vận hành
Liên quan đến vận hành hồ chứa hiện nay, đối với những hồ thủy điện lớn, có 11 quy trình vận hành liên hồ chứa và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ vận hành khi có thiên tai. Trong trạng thái bình thường thì các địa phương phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, các hồ thủy điện nhỏ lại nằm rải rác và đang giao cho các địa phương quản lý. Do vậy, sau đợt mưa lũ này, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phải phối hợp rà soát, đánh giá lại các dự án thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ.
Theo tôi, có một số dự án thủy điện nhỏ chưa chắc đã làm đúng quy trình vận hành. Thực tế, theo quy định, các dự án thủy điện khi vận hành phải kết nối với trung tâm điều hành của các tỉnh nhưng qua kiểm tra thì có một thực tế, các thủy điện nhỏ gần như không kết nối với trung tâm điều hành, do vậy không biết họ có xả lũ hay không.
Do vậy, đã đến lúc phải thực hiện nghiêm các quy định về vận hành, nhất là với các dự án thủy điện nhỏ.
Về việc thủy điện nhỏ tác động đến việc bảo vệ, phát triển rừng, hiện nay, thẩm quyền cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ là của địa phương, căn cứ vào quy hoạch của địa phương để cho phép. Báo cáo đánh giá tác động môi trường do các cơ quan môi trường làm.
Ở góc độ cơ quan quản lý chung về rừng, có thể thấy, sau Luật Lâm nghiệp, sau Chỉ thị 13 gần như không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, để giảm tác động ít nhất đến rừng, các dự án thủy điện nên tính toán tận dụng cột nước là chính, lấy thế năng cột nước để phát điện khi đó không cần diện tích hồ chứa phải quá lớn. Dù công nghệ cột nước đắt nhưng đắt cũng phải làm bởi nó chiếm dụng ít đất.
Bên cạnh đó, các địa phương khi cấp phép các dự án thủy điện cần tính toán kỹ các yếu tố thiên tai, tránh việc lợi dụng làm thủy điện để làm những việc khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.