Trên đường vào khảo sát tình hình sự cố tại Rào Trăng 3, đoàn cán bộ và quân nhân cũng bị sạt lở vùi lấp làm 13 người hy sinh... Vấn đề thủy điện nhỏ và những hệ lụy lại nóng lên trong những ngày qua.
Theo TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản (Bộ TNMT) cho biết, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, cảnh báo nguy cơ và bàn giao cho cơ quan chức năng của Tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao
Theo TS Trịnh Xuân Hòa, trong số 42 điểm trượt lở đất đá trong toàn huyện Phong Điền, có 28 điểm trượt có quy mô nhỏ, 11 điểm trượt quy mô trung bình, 2 điểm trượt quy mô lớn, 1 điểm quy mô rất lớn. Hiện các điểm trượt vẫn còn nguy cơ tiếp tục xảy ra ảnh hưởng trực tiếp tới đường giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, TS Trịnh Xuân Hòa cho hay, tháng 6/2020, cơ quan chuyên môn của Bộ TNMT đã chuyển giao đề án nói trên cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên - Huế. "Bản đồ điều tra hiện trạng đã được chúng tôi bàn giao cho cấp tỉnh. Còn cấp tỉnh bàn giao, hướng dẫn cấp huyện làm như thế nào thì chúng tôi không được biết" - TS Hòa cho hay.
Theo đó, tại địa bàn huyện Phong Điền, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 1 hệ thống đứt gãy chính theo phương Tây Bắc - Đông Nam và các đứt gãy phụ. Các hệ thống đứt gãy này phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều phương giao cắt nhau làm cho tại các khu vực này xuất hiện các đới dập vỡ quy mô rộng, đá bị giập vỡ nứt nẻ mạnh.
"Vỏ phong hóa phát triển dày, nhất là các nhóm đá phun trào axit - trung tính của chúng và nhóm đá biến chất giàu alumosilicat, vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn mềm - cứng, khả năng liên kết kém; đa số địa hình sườn núi có độ dốc trung bình đến cao (20 độ), là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra mạnh và rất mạnh. Nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt rõ ràng nhất là do mưa và cắt xẻ taluy để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá. Theo kết quả điều tra, tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài; thống kê có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy - sườn nhân tạo" - ông Hòa cho hay.
Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp, mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương vĩ tuyến. "Khu vực này có đứt gãy Đrakrông - A Lưới quy mô lớn cắt qua, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông - A Lưới với đứt gãy địa phương theo phương Đông Bắc - Tây Nam... Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được Đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000" - ông Hòa thông tin.
Đánh giá về việc xả tràn
Đánh giá về việc các thủy điện xả tràn đêm 11/10, rạng sáng ngày 12/10 có phải nguyên nhân gây sạt lở khiến đoàn 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Rào Trăng 3, ông Hòa cho biết, cần có báo cáo cụ thể về mức độ xả để đánh giá rõ nguyên nhân.
"Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nắm rõ về mức độ xả tràn của thủy điện ngày hôm đó. Không chắc mức xả có lớn tràn đến chân taluy hay không? Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì, việc xả tràn này không liên quan đến sạt lở lắm. Vẫn cần các số liệu báo cáo cụ thể để đánh giá chính xác" - ông Hòa nhận định.
Cùng ý kiến trên, mới đây, PGS - TS Vũ Thanh Ca - giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, cũng nhận định, khi đón lũ, hồ thủy điện bắt đầu xả nhưng lượng xả bắt buộc phải nhỏ hơn rất nhiều lượng nước về. Do đó, PGS - TS Vũ Thanh Ca nhận định, các thủy điện nhỏ không có chức năng điều tiết lũ chỉ có thể xả nhiều nhất đúng bằng lượng nước vào hồ.
Tuy đánh giá, thủy điện không phải nguyên nhân gây thêm lũ, nhưng ông Ca vẫn nêu quan điểm không ủng hộ phát triển thủy điện: "Tôi không ủng hộ thủy điện và nếu được chọn, tôi sẽ theo mô hình Mỹ, phá thủy điện cũ đi, không xây thêm thủy điện mới mà chỉ phát triển nhiệt điện và các dạng năng lượng khác".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.