Thủy thủ kể lại chuyện bị bắt cóc, phải đưa cướp biển... về nhà

Nguyễn Gia Tưởng Thứ năm, ngày 09/10/2014 14:40 PM (GMT+7)
Nhớ lại 8 tháng bị giam cầm, 24 thủy thủ tàu Hoàng Sơn Sun vẫn chưa hết khiếp đảm. Chỉ khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, nhiều người trong số họ mới thực sự tin là mình đã được sống.
Bình luận 0

Sau 240 ngày bị hải tặc Somali bắt giữ, đòi tiền chuộc, chiều 23.9.2011, 24 thủy thủ tàu Hoàng Sơn Sun đã được thả tự do và về đến quê nhà.

Hành trình định mệnh

Anh Đỗ Minh Thắng (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng) tiếp chúng tôi ngay sau khi cùng gia đình dùng bữa cơm “tẩy trần”. Anh Thắng kể, đây là chuyến đi biển đầu tiên của anh, mới đi được một vòng qua vùng Biển Đỏ. Tàu Hoàng Sơn Sun nhận 21.000 tấn hàng từ cảng Bik của Iran để chở về cảng Ximen của Trung Quốc. 

img
Máy trưởng Bùi Hữu Hưng đã ghi nhật ký những tháng ngày trong hang ổ cướp biển bằng... thơ.

 

Hành trình của tàu vô cùng thuận lợi vì thời tiết đẹp, toàn bộ thuỷ thủ đoàn phấn khởi vì có một chuyến đi sóng yên biển lặng. Nhưng vào buổi chiều của ngày thứ tư sau khi rời Iran (18.1.2011), bỗng phía sau tàu Hoàng Sơn Sun xuất hiện một chiếc tàu cá lạ cứ bám theo cách chừng 30 hải lý.

Tuy nhiên, mọi người trên tàu chẳng ai để ý tới vì đây là vùng biển quốc tế, lại tương đối an toàn do cách xa nơi cướp biển thường hoạt động.

Bất thần tàu cá lạ tăng tốc bám sát tàu Hoàng Sơn Sun, khi cách khoảng 1,5 hải lý thì từ tàu cá hạ xuống 1 xuồng cao tốc phóng về phía trước với tốc độ chóng mặt. Xuồng cao tốc áp sát mạn phải tàu Hoàng Sơn Sun.

Linh tính có chuyện chẳng lành vì những vị khách không mời mà tới này, trên khoang lái, Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng chỉ đạo cho Máy trưởng Bùi Hữu Hưng chạy với vận tốc 2 máy tiến 3 - là tốc độ cao nhất của tàu, chỉ dùng vào trường hợp khẩn cấp hay chạy bão.

Nhưng tất cả vẫn bất lực, chỉ cần hai lần áp mạn là người trên chiếc xuồng cao tốc đã quăng thang dây rất thuần thục rồi chúng nhảy lên tàu Hoàng Sơn Sun. Có 8 tên lao lên mạn tàu, tên nào cũng được trang bị vũ khí, như súng tiểu liên, lựu đạn, B41...

“Do tàu Hoàng Sơn Sun là một tàu vận tải, không được trang bị vũ khí nên chúng tôi đành bất lực nhìn cướp biển khống chế. Chúng lao lên tàu, đi từng phòng của thuỷ thủ, dưới khoang máy, ra tay đánh đập, yêu cầu anh em tắt hết máy móc rồi dồn hết 24 người lên khoang lái rộng 10m2 để bắt đầu tra khảo” - anh Thắng kể.

Khi cướp biển biết được thuỷ thủ đoàn là người Việt Nam, chúng đã trả lại điện thoại và yêu cầu thủy thủ gọi điện về nhà thông báo tình hình để gây sức ép đòi tiền chuộc.

Đánh tàu vào hang cọp

Sau những giờ phút bàng hoàng khi rơi vào tay cướp biển và bọn cướp đã đoán được rằng việc đòi tiền chuộc sẽ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, chúng liên tục điều tàu Hoàng Sơn Sun di chuyển ở nhiều vùng biển, để nhằm qua mặt những đơn vị tìm kiếm.

Anh Thắng kể tiếp, cùng với việc canh phòng thủy thủ đoàn sát sao, bọn cướp biển đã khống chế toàn bộ điện đài, cho người giám sát hải trình và yêu cầu tàu Hoàng Sơn Sun phải đi theo tàu cá giả dạng của bọn chúng. Lũ cướp biển rất hung hãn, nếu thấy ai có hành vi khả nghi là chúng thẳng tay đánh đập, có người bị đạp vào mặt, hay ghè vào mạn tàu suýt bị ngạt thở...

Để đảm bảo an toàn tính mạng của thuỷ thủ, Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng đã yêu cầu anh em làm theo yêu cầu của chúng.

Tàu Hoàng Sơn Sun quay đầu hướng về vùng biển Somali. Bọn cướp biển vẫn chiếm hết mọi phòng ở của thuỷ thủ đoàn, lúc nào bọn chúng cũng cắt cử người mang theo vũ khí, áp giải từng thuỷ thủ khi làm việc, kể cả khi đi vệ sinh. Hễ ai làm chúng phật ý thì lập tức bị ăn đòn. Những điều đó làm các thủy thủ hết sức hoang mang, lo sợ không giữ được tính mạng của mình.

Thỉnh thoảng tên nhóm trưởng cướp biển cho Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng đánh điện về nhà thông báo tình hình và truyền đạt yêu cầu đòi tiền chuộc của chúng. Tàu chạy được 3 ngày thì được yêu cầu thả neo.

Ăn trong tầm đạn

Mặc dù đã về đến nhà được hai hôm nhưng mỗi khi có bà con hỏi thăm về quãng thời gian bị cướp biển Somali giam cầm, anh Đỗ Văn Quân ở thôn Lã Phú, Tân Phong (Hải Phòng) vẫn chưa hết bàng hoàng. 

img
Anh Quân (phải) kể sự việc với mọi người.

 

Anh Quân kể: “Sau khi bị cướp biển bắt ở vùng biển Oman, chúng khống chế và bắt tàu Hoàng Sơn Sun quay lại vùng biển Somali. Sau 4 ngày đêm đi khoảng 750 hải lý, chúng tôi về tới hang ổ của bọn cướp. Chúng dồn mọi người vào khoang lái và lúc nào cũng có 10 tên canh phòng, trong đó có hai tên ở trong khoang cùng mọi người.

Hai tên này giám sát mọi hành động trong khoang lái. Chúng không cho các thuỷ thủ đứng, lúc nào cũng bắt ngồi và đi khom trong khoang. Bên ngoài hành lang tàu có 4 tên ôm súng, trên nóc cabin là 4 tên canh gác với súng AK.

Khi đến bữa ăn, chúng cho các thuỷ thủ Việt Nam xuống bếp nấu ăn. Tuy nhiên, đồ ăn mà cướp biển cấp cho anh em là theo đạo Hồi nên không ai “thưởng thức” được cả, đành phải ăn rau (chủ yếu là cà chua) trừ bữa.

“Anh em chúng tôi lúc nào cũng rơi vào tình trạng thiếu chất dinh dưỡng. Thỉnh thoảng, chúng mới cho một người trong đoàn đi câu cá, nhưng cá cũng hiếm vì vùng biển này nhiệt độ nóng quá, khó sống được.

Một lần, bọn cướp gọi tôi lên bắt thịt hai con dê. Chúng lấy thịt và nội tạng ăn hết, còn cho thuỷ thủ mình hai bộ da dê. Anh em mừng quýnh, rủ nhau cạo sạch lông, rồi thái nhỏ xào với cà chua. Lần đầu tiên ăn “thịt”, ai cũng khen ngon”, anh Quân kể.

Theo lời kể của nhiều thuỷ thủ khác, ăn uống ở hang cướp dù khổ một tý cũng không sao, nhưng sợ nhất là vừa ăn vừa nghe cướp biển bắn súng. Cứ vừa ngồi vào mâm, đưa miếng cơm lên miệng, thế nào cũng thấy cướp biển mang súng ra bắn chỉ thiên làm ai cũng kinh hãi.

Bọn cướp biển quản súng đạn vô cùng tuỳ tiện. Vui, chúng xả súng lên trời, buồn, chúng cũng bắn chơi. Nhưng, thuỷ thủ ta nghe mãi tiếng đạn cũng quen. Họ vẫn cố ăn, cố sống để đợi đến ngày được thả.

Tự chữa bệnh cho nhau

8 tháng bị giam trong hang ổ cướp biển, các thuỷ thủ tàu Hoàng Sơn Sun đã liên tục chịu những hình phạt oái oăm của cướp biển Somali. Anh Quân kể tiếp: Đến tháng thứ tư, sau khi giá tiền chuộc chưa được thống nhất, bọn cướp đã bắt chúng tôi cởi hết quần áo. Mỗi người chỉ được vận một chiếc quần đùi mỏng, đi chân trần và phải nằm sấp xuống boong tàu.

Sau đó, chúng lại bắt ngồi phơi giữa trưa nắng nóng của miền sa mạc. Không biết chính xác nhiệt độ bao nhiêu, nhưng theo lời anh Quân là khoảng 65 độ C. Mà không phải chỉ ngồi một vài phút, bọn cướp bắt anh em phơi nắng gần 2 tiếng đồng hồ. Nhiều người không chịu nổi đã ngã gục, hộc cả máu mồm.

Riêng anh Thắng - Thuyền trưởng và anh Hưng là máy trưởng còn bị chúng trói gập khuỷu tay bắt nằm xuống trong tàu nóng bỏng, khiến thân thể các anh bây giờ đầy vết sẹo. Còn anh Quý quê ở Thái Bình cũng do màn hành hạ đó nên đã bị bỏng cả hai chân không đi được. Hàng ngày, anh em phải dìu anh Quý đi về ca bin, rồi lấy thuốc tự bôi cho nhau.

Anh Quân tiết lộ: “Đây là số thuốc hiếm hoi mà chúng tôi giấu được vì khi lên tàu bọn cướp đã lấy hết sạch mọi thứ. Cũng may có số thuốc mỡ này nên các vết thương trên người các thuỷ thủ không bị loét, lan rộng”. Được biết, trong 8 tháng bị bọn cướp giam cầm, nhiều người trong thuỷ thủ đoàn bị sốt, riêng anh Quân bị  hai lần phải uống thuốc đã quá hạn 6 tháng sử dụng. May là anh đều qua khỏi...

Anh Quân kể tiếp: Tàu chúng tôi bị giam gần một tàu có cờ hiệu Ukraina. Tôi là thợ điện nên đã được bọn cướp điều sang sửa phần điện cho con tàu kia. Tàu bạn có 17 người, do bị cướp biển giam lâu ngày, lại ăn uống thiếu thốn nên hầu hết đều bị bệnh đường ruột.

Đưa cướp biển về nhà

Thuyền phó 3 Ngô Văn Trung (ở huyện An Lão, TP.Hải Phòng) kể, việc đàm phán của người trung gian với cướp biển như thế nào thì thủy thủ đoàn không được biết, nhưng trong bản ký kết giữa hai bên có điều khoản là trước khi giao tiền, người trung gian phải được nhìn thấy thuyền viên còn sống và quân số đầy đủ.

img
Anh Đỗ Quốc Quân đã đoàn tụ gia đình và vẫn sẽ theo nghề thủy thủ.

 

Sáng 16.9/2011, anh Trung và 21 đồng nghiệp được bọn cướp dẫn lên boong tàu bắt xếp hàng, riêng Thuyền trưởng Thắng bị giữ lại trong khoang lái. Các thủy thủ thấy có một chiếc máy bay lượn trên đầu 2 vòng, mọi người đoán người trên máy bay đang đếm số thủy thủ. Sau đó, chiếc máy bay này thả xuống một thùng tiền, bọn cướp biển đã dùng xuồng cao tốc phóng ra vớt lên.

Anh Trung nói: “Lúc này, anh em thuỷ thủ đoàn cũng rất là lo bởi không biết được bọn cướp sau khi nhận tiền có giữ đúng lời hứa hay không? Vì tiền đã nhận rồi, nếu chúng nuốt lời thì mình cũng đành chịu, hơn nữa theo sự chỉ đạo của công ty thì khi cướp biển đã có tiền chuộc, chúng tôi phải hạn chế tiếp xúc với chúng, đề phòng chúng hiểu lầm mình mà ra tay sát hại...”.

Theo quy định đã ký kết thì sau khi nhận được tiền 12 tiếng, cướp biển phải rời tàu, nhưng đã quá thời gian quy định 1 ngày thế mà bọn cướp vẫn án binh bất động làm anh em thuỷ thủ càng lo lắng hơn. Không hiểu chúng nói với nhau những gì, nhưng tên chỉ huy đã bắt thủy thủ phải đánh tàu chạy lòng vòng để đưa bọn cướp về nhà.

Đầu tiên, chúng bắt tàu chạy lên phía bắc của vùng vịnh, thả khoảng 20 tên cướp. Lúc toán cướp này rời tàu, các thủy thủ mới biết tên nào cũng được trang bị nhiều khẩu súng. Một tên cướp còn giải thích cho thủy thủ là chúng phải mang nhiều súng đạn để đề phòng lên đến bờ có khi lại bị bọn trên bờ cướp mất tiền... Sau đó, bọn cướp còn lại trên tàu bắt tàu ngược xuống phía nam để thả toán tiếp theo.

Bọn cướp cứ bắt tàu chạy lòng vòng trong vùng vịnh kín suốt 37 giờ và lần lượt thả xuống 4 toán cướp. “Trước khi lên bờ, tên chỉ huy toán cướp còn đưa cho thuyền trưởng một tờ giấy chứng nhận là... tàu đã bị cướp ở vùng biển Somali, và nói nếu bị các toán khác cướp tàu thì cho bọn chúng xem cái giấy chứng nhận này để khỏi bị bắt cóc lần hai” - anh Trung cho biết.

Sau khi tên cướp cuối cùng rời khỏi tàu thì tàu Hoàng Sơn Sun mới hướng về vịnh Aden để chạy đến Oman. Lúc này, nhiên liệu đã sắp cạn, lương thực cũng chỉ còn chút ít, điều này bọn cướp cũng đoán được nên chúng cố tình bắt tàu chạy lòng vòng để tiêu hao nhiên liệu và các tàu hải quân chống cướp biển không biết đường nào để mật phục bắt bọn chúng khi vào bờ.

Niềm vui đoàn tụ

Thoát khỏi hang ổ của bọn cướp biển, quãng đường từ vùng biển Somali chạy qua vịnh Aden về Oman cũng là một thử thách nữa khi cả tàu phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Máy trưởng Hưng cho hay, lúc chạy về, anh em chỉ lo tàu hết dầu vì trong 8 tháng bị bắt giữ, bọn cướp biển đã nhiều lần hút dầu của tàu Hoàng Sơn Sun mang đổi lấy thực phẩm. Anh em đã phải vét từng xô dầu để đổ máy chạy qua khu vực này.

Nếu trên đường về mà hết dầu thì đúng là một thảm hoạ vì vùng này cướp biển hoạt động dày đặc, không một tàu tiếp dầu nào dám bén mảng tới, còn tàu hải quân các nước cũng không thể vào được để hỗ trợ. Hơn nữa, mọi liên lạc với công ty ở Việt Nam đều bị ngắt quãng vì không có sóng điện thoại vệ tinh, tàu phải vừa chạy, vừa lo thả trôi để về đến Oman.

Sau những ngày lênh đênh trên biển vừa phấp phỏng mừng thầm, vừa lo sợ, khi bờ biển Oman hiện ra, mọi người mới biết chắc rằng mình đã thoát khỏi bọn cướp biển và được sống, anh em ôm lấy nhau mừng rớt nước mắt. Cả đoàn được đưa sang Doha (Qatar), sau đó bay về Thái Lan và trở về Việt Nam chiều 23.9 trong vòng tay người thân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem