Tích tụ đất đai giúp nông dân Gia Lai tăng thu nhập thấy rõ

Đông Hoàng Thứ tư, ngày 11/12/2019 06:00 AM (GMT+7)
Thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các Nghị quyết Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN, của Tỉnh ủy Gia Lai, những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Gia Lai đã tập trung, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng nhiều mô hình mới, tạo nên nhiều cách làm hay. Điển hình là việc các cấp Hội ND tỉnh Gia Lai tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ đất đai, kết nối với doanh nghiệp xây dựng những cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hướng tới liên kết thành chuỗi giá trị.
Bình luận 0

Việc tích tụ đất đai, phát triển cánh đồng lớn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp cùng chủng loại, thuận lợi cho việc gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ. Thực hiện chính sách này, nông dân Gia Lai được hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, kết nối thị trường.

img

 Huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã xây dựng thành công cánh đồng lớn trồng lúa. Ảnh: Quang Tấn

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 7 tổ chức, gồm 3 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã đã liên kết với nông dân để lập 11 dự án xây dựng 24 cánh đồng lớn về sản xuất và tiêu thụ nông sản với tổng diện tích hơn 2.640ha. Các cánh đồng lớn tập trung vào các loại cây trồng như mía đường, cà phê, lúa…

Điển hình có huyện Phú Thiện là địa phương thuần nông của tỉnh Gia Lai, vùng chuyên canh lúa với hơn 6.000ha gắn với công trình thủy lợi Ayun Hạ có sức tưới lên đến hơn 13.500ha. Trước đó, người dân sản xuất theo tập quán cũ, truyền thống nên năng suất lúa không cao. Từ năm 2016, huyện Phú Thiện triển khai mô hình xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa. Sau 3 vụ triển khai cánh đồng lớn, không chỉ năng suất lúa mà chất lượng lúa gạo cũng tăng rõ rệt, lợi nhuận cho nông dân tăng thêm 6 triệu đồng/ha, tổng thu nhập 1ha trồng lúa của nông dân đạt từ 35 - 40 triệu đồng.

Qua việc triển khai mô hình cánh đồng lúa cấy 1 giống, áp dụng cùng 1 quy trình thâm canh, chất lượng hạt lúa đồng đều hơn so với trồng đủ thứ giống với đủ kiểu canh tác trước kia. Đây chính là điểm mấu chốt để doanh nghiệp hăng hái tham gia liên kết với nông dân trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách lâu dài.

Từ thành công đó, năm 2017 huyện Phú Thiện phối hợp với Nhà máy đường Thành Thành Công triển khai xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía đường. Huyện đã chọn 4 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số xã Chư A Thai để làm điểm trên diện tích 80ha.

Từ vùng đất trước đây không có nước tưới, chỉ gieo lúa rẫy, vụ được vụ mất và trồng cây mì được chăng hay chớ, nay đã hình thành cánh đồng mía lớn. Theo đó, năng suất, chất lượng mía được tăng lên, đồng nghĩa với thu nhập của nông dân trồng mía tăng theo.

Ông Nguyễn Minh Trưởng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai cho biết, việc xây dựng các cánh đồng lớn chuyên canh là hướng đi mới của ngành nông nghiệp địa phương nhằm thay đổi tư duy sản xuất, dần chuyển sang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem