Tiềm năng như thế, sao diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn thấp so với thế giới?
So với thế giới, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam còn rất thấp
Văn Long
Thứ sáu, ngày 12/04/2024 12:11 PM (GMT+7)
Mặc dù năm 2018, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đã tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016 và đạt khoảng 495.000 ha nhưng con số này vẫn rất thấp so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Chiều ngày 11/4, tại TP. Đà lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thuộc Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ để "Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2021, thế giới có hơn 71 triệu ha canh tác nông nghiệp hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh Châu Âu có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của VIệt Nam còn khá thấp so với tổng diện tích canh tác hữu cơ của thế giới.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ hàng nghìn năm nay và hình thức canh tác này cũng rất được chú trọng. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016 và đạt khoảng 495.000 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên.
Tại diễn đàn, PGS.TS Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, nông nghiệp hữu cơ cũng có quá trình sản xuất tương tự như sản xuất thông thường. Tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ có quy định riêng về cung cấp vật tư đầu vào (không được sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ hóa học, thức ăn chăn nuôi có chất tăng trưởng, chất kích thích sinh trưởng, vacxin và thuốc chữa bệnh hóa học và giống biến đổi gen…). Đồng thời, trong quá trình sản xuất phải tuân thủ các quy định về chọn vùng sản xuất, tiêu chuẩn đất và nước, mật độ trồng trọt, chăn thả, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch để đảm bảo tính "toàn vẹn hữu cơ" của sản phẩm tạo ra.
"Sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng được liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng.
Liên kết nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Liên kết thường được phân chia thành liên kết dọc và liên kết ngang.", PGS.TS Đào Thanh Vân thông tin.
Tại tỉnh Lâm Đồng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết với hơn 31.000 hộ liên kết. Đến nay, tại Lâm Đồng cũng có hơn 1.579ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó trồng trọt hơn 1.439ha, chăn nuôi 140ha trồng cỏ nuôi 1.005 con bò sữa.
Các chuỗi liên kết đã giúp nông dân hiểu và sản xuất theo kế hoạch, theo quy trình tiêu chuẩn, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, tạo ra các sản phẩm hữu cơ đồng nhất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế cho nông sản, hỗ trợ trong công tác xây dựng mua sắm vật tư cho một số loại nông sản xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, kết quả của công tác vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị các cấp đã giúp nâng cao nhận thức của người sản xuất về việc tham gia các chuỗi liên kết, sản xuất theo hợp đồng.
Trong khi đó, theo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, hiện nay toàn tỉnh này chỉ có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thuộc 9 ngành hàng nông sản với sự tham gia của khoảng 9.660 hộ dân. Thông qua việc triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo phương thức truyền thống, tiến đến sản xuất theo hướng khoa học kỹ thuật, sản phẩm chất lượng cao, sạch, thân thiện với môi trường.
Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đăk Nông cho biết, khó khăn của tỉnh hiện nay là diện tích sản xuất manh mún, thiếu tập trung, người dân quen với sản xuất nông nghiệp vô cơ nên khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi sang phương thức canh tác bền vững cũng như áp dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, yêu cầu thời gian chuyển đổi từ sản xuất theo phương thức truyền thống sang sản xuất hữu cơ đến khi được chứng nhận cần thời gian tương đối dài (từ 18 tháng đến 24 tháng, tuỳ loại cây trồng), trong thời gian đầu chuyển đổi hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất thấp vì chất lượng đất chưa được phục hồi sau thời gian dài canh tác sử dụng phân hoá học. Vì vậy khó thu hút được người dân chuyển đổi theo hướng hữu cơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.