Trai ngọc được phân bố tự nhiên với số lượng tương đối lớn. Nguồn trai tự nhiên ở đây có thể cung cấp cho các nhà đầu tư đến 90% nguyên liệu. Sản phẩm ngọc trai ở Quy Nhơn có thể xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, EU...
Tỉnh Bình Định trước đây đã có quy hoạch nuôi trai ngọc tại vùng biển thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Diện tích khu vực thực hiện dự án rộng từ 50 - 70ha (mặt nước biển), là nơi kín gió, có độ sâu vừa phải, đáy phẳng, thuận lợi cho các phương tiện đi lại trong quá trình nuôi cấy ngọc trai, có nguồn nước ngọt cung cấp cho việc thực hiện các dự án nuôi cấy trai ngọc.
Nhìn chung các yếu tố môi trường nước biển tại đây không có sự biến động lớn. Độ mặn đo được 34 - 35 phần nghìn, độ sâu từ 5 - 7m, độ trong suốt của nước nhìn sâu 6m, dưới đáy là các rạn đá và san hô...
Bình Định đã mời gọi các đối tác đầu tư cơ sở nuôi trai nguyên liệu và nuôi trai cấy ngọc với qui mô 3 triệu con trai nguyên liệu/năm. Sản lượng ngọc trai thu được khoảng 600.000 viên/năm. Ngọc trai nuôi những năm vừa qua có độ sáng, bóng, chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nghề nuôi trai ngọc bắt đầu manh nha phát triển vào những năm cuối thế kỷ 20. Tuy vậy đến nay cũng chỉ có vài chục cơ sở nuôi ngọc lấy trai quy mô nhỏ và vừa như Cty Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Nha Trang - Khánh Hòa, cơ sở nuôi ngọc trai tại Vũng Rô (Phú Yên) và một số cơ sở 100% vốn đầu tư của nước ngoài. Trong đó một số DN nuôi trai ngọc khá quy mô như Vina Pearl, Halong Pearl hoặc PhuQuoc Pearl...
Ngư dân Bình Định từ lâu đã phát hiện ở ven biển Quy Nhơn - khu vực bán đảo Phương Mai - Nhơn Hội có một số loài trai ngọc sinh sống. Sự tồn tại này hầu như chưa được sự chú ý đặc biệt nào của người dân cũng như các nhà khoa học. Loại trai có khả năng làm ngọc ở đây nhiều năm phải sống "ẩn tích" cùng với các sinh vật ít giá trị khác dưới vùng san hô ven bờ.
Đề tài thử nghiệm nuôi giống trai ngọc tại vùng biển Quy Nhơn đã được Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiến hành thực hiện tại biển Hải Giang thuộc bán đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn trong nhiều năm trước.
Sau khi tiến hành điều tra các điều kiện môi trường biển tại khu vực nói trên, xác định các loại trai biển, nhóm nghiên cứu đã thuê ngư dân khai thác được 16.000 con, chủ yếu là trai giống nguyên liệu tại chỗ.
Nhóm triển khai thành công nuôi trai cấy ngọc trong thời gian từ 4 - 5 tháng, đã thu hoạch được hàng trăm viên ngọc trai thành phẩm. Kết quả khả quan này đã mở ra hướng phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc cho nhiều ngư dân.
Các chuyên gia cho biết, nuôi trai lấy ngọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là môi trường, độ mặn của nước biển phải phù hợp với chu kỳ sinh trưởng và tạo ngọc cho giống trai đang nuôi. Trai ngọc sau một năm tăng trưởng 24mm về kích thước và nặng khoảng 16 gram. Theo tiêu chuẩn quốc tế, trai đến thời kỳ lấy ngọc phải đạt từ 5,5 cm trở lên và nặng trên 20 gram.
Ở vùng biển Quy Nhơn trai nuôi trên 1 năm là có thể khai thác được ngọc. Số trai ngọc có tỷ lệ sống rất cao, khoảng 48 - 75%. Trong đó tỷ lệ tạo ngọc đạt từ 23,2 - 31%. Ngọc trai Quy Nhơn có màu ánh bạc và ánh vàng. Đây là 2 loại màu được thị trường thế giới ưa chuộng nhất hiện nay. Theo ông Kichinosuke Hiraga chuyên gia người Nhật Bản, Giám đốc Cty Ngọc trai Vạn Ninh, Khánh Hòa thì màu sắc của ngọc trai Bình Định đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay những hiểu biết về các quy trình sản xuất nhân giống trai ngọc ở Việt Nam còn ít được phổ biến rộng rãi. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, khuyến khích cho các công trình dạng này cũng chưa được Nhà nước quan tâm nhiều.
Để nghề nuôi trai phát triển ở các vùng ven biển, cần có chính sách ưu đãi về thuế cũng như các chính sách khác cho ngư dân nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, phục vụ cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.
Triển vọng ở vùng duyên hải nước ta hiện nay còn có thể phát triển thêm nhiều điểm nuôi trai cấy ngọc. Vùng được đánh giá có tiềm năng nuôi trai ngọc như miền Trung từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bình Thuận... Ở Nam bộ thì có đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi "đắc địa" của nghề nuôi trai ngọc...
|
Nguyễn Tấn Tuấn (Nông Nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.