Huyện Đô Lương hiện có 34 trang trại chăn nuôi, trong đó có gần 10 trang trại chăn nuôi lợn khá lớn. Trên địa bàn huyện, những năm 2014 về trước đã xảy ra một số ổ dịch LMLM, tai xanh trên đàn trâu, bò, lợn, trong đó có những trại lợn cũng xảy ra dịch bệnh, thiệt hại lớn về kinh tế cho chủ trang trại.
Dù đầu tư lớn, nhưng không phải trang trại nào cũng chủ động phối hợp với cán bộ thú y để bảo vệ cho vật nuôi. Trong ảnh là một trang trại do phối hợp tốt với cán bộ thú y huyện Tân Kỳ nên đã tránh được dịch tụ huyết trùng và dịch tả cho lợn.
Tuy nhiên, công tác phòng dịch vụ xuân này tại các trang trại như thế nào là Trạm Thú y huyện không thể nắm được. Nguyên nhân là các trang trại không có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn là Trạm Thú y huyện.
Theo ông Võ Đình Khoa – Trưởng Trạm Thú y huyện Đô Lương, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện tự tiêm phòng cho lợn. Họ nhập đàn khi nào, tiêm vắc-xin gì, đều không khai báo với cơ quan chuyên môn. Khi không may xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, họ mới khai báo, điều đó là bất cập.
Do vậy, hàng năm Nhà nước tổ chức tiêm phòng vắc-xin vụ xuân và vụ thu, Trạm Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng trên đàn lợn được nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Theo đó, vụ xuân này UBND huyện Đô Lương giao chỉ tiêu cho các địa phương tiêm phòng đạt 80% tỷ lệ đàn trâu, bò, lợn. Đô Lương hiện có 32.650 con trâu, bò, 30.950 con lợn. Thời gian tiêm phòng vắc-xin cho gia súc trong vụ xuân này bắt đầu từ ngày 20/3, kết thúc tiêm ngày 15/4. Trạm Thú y huyện đã nhận đủ số lượng vắc xin, hiện đang được bảo quản tại kho, từ ngày 20/3, các địa phương bắt đầu nhận vắc-xin về triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc.
Với những trang trại chăn nuôi lớn, việc chủ động phòng dịch là quan trọng hàng đầu, bởi điều đáng sợ nhất đối với họ là dịch bệnh xảy ra. Do vậy, công tác phòng dịch ở các trang trại đều có quy định rất chặt chẽ mỗi khi có người lạ và phương tiện từ bên ngoài ra vào.
Tuy nhiên, không phải chủ trang trại nào cũng hiểu biết về vắc xin cũng như công tác bảo quản vắc xin. Cuối năm 2015, chúng tôi cùng cán bộ thú y huyện Quỳnh Lưu về trại chăn nuôi lợn giống của anh Minh Năng ở xã Quỳnh Bảng.
Tình cờ gặp đúng lúc chủ trại lợn vừa mua vắc-xin phòng bệnh từ miền Nam về chuẩn bị tiêm cho đàn lợn. Qua kiểm tra của cán bộ thú y huyện, thấy rằng công tác bảo quản vắc-xin trong quá trình vận chuyển chưa đúng, hơn nữa chủ trang trại cũng không hiểu nhiều về nguồn gốc của vắc-xin đó. Điều đó cho thấy, công tác phối hợp giữa chủ trang trại với cơ quan chức năng thú y trong công tác phòng dịch là cần thiết.
Xuân Hoàng (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.