Chủ tiệm này là ông Trần Văn Sáng, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông cho biết, ngày trước ông làm thầy giáo dạy Pháp Văn, tình cờ người bạn có thùng quẹt Dupont bị hư hệ thống đánh lửa nên cho ông. Sau khi đem về nhà, ông Sáng tháo rời các bộ phận để kiểm tra. Với bản tính tò mò cộng với sự sáng dạ, gần 1 tuần sau, ông đã sửa thành công chiếc hộp quẹt này.
Cũng từ đó ông bắt đầu đam mê việc sửa chữa loại hộp quẹt của các đại gia, quý tộc mới dùng này. Năm 1955, quầy sửa thùng quẹt Dupont có tên Pual Sáng của ông mọc lên ở số 88 Nguyễn Thiệp nay là đường Ngô Đức Kế (quận 1), và trở thành nơi sửa thùng quẹt Doupont độc nhất Sài Gòn thời đó. Những chiếc hộp quẹt Dupont mà khách nghĩ rằng không thể sửa được, ông Sáng sửa thành công và được nhiều khách hàng tin tưởng. Tiếng lành đồn xa, có ngày ông nhận hơn chục hộp quẹt để sửa chữa.
Tồn tại hơn nửa thế kỷ, quầy sửa thùng quẹt Dupon của ông Sáng từng là điểm sửa độc nhất loại thùng quẹt này ở thời đó. Ngày nay, tiệm sửa do anh Phong con trai ông Sáng kế nghiệp cha.
Theo ông Sáng, mỗi hộp quẹt Dupont thời điểm đó được bán với giá 1 cây vàng. Loại hộp quẹt này được đánh giá là quý tộc nhất trong số các hộp quẹt sành điệu. Hộp quẹt Dupont là món đồ chơi dành cho giới thượng lưu và do vậy những quan chức và người giàu là người sở hữu nó nhiều nhất. Khi thùng quẹt bị hư, những người này thường sai “đệ tử” mang ra quầy ông sửa. Rất nhiều lần ông Sáng được thưởng thêm tiền và cho quà giá trị khác.
Một trong những vị khách đặc biệt mà ông nhớ nhất là tổng thống Ngô Đình Diệm của chế độ cũ: “Lúc đó, một người lính mang thùng quẹt đến sửa, sau khi sửa thành công tôi mới biết đây là chiếc hộp quẹt của ông Ngô Đình Diệm. Tôi được ông Diệm thưởng cho chiếc hộp quẹt Zippo có hình ông ấy”, ông Sáng nói.
Cũng nhờ có nghề này, gia đình ông có cuộc sống đỡ vất vả hơn so với những người thời đó.
Ngày nay, chiếc tủ sửa hộp quẹt của Paul Sáng vẫn còn hiện diện trên con đường Ngô Đức Kế. Anh Phạm Thần Phong, con trai ông Sáng kế nghiệp cha, tiếp tục sửa hộp quẹt cho dân chơi sành điệu. Anh Phong cho biết, cha đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu và không còn minh mẫn như trước.
Anh Phong nói: “Mỗi thùng quẹt có cấu tạo và cái khó riêng nhưng khi mày mò sửa được thì rất vui. Thông thường, 1 chiếc quẹt được sửa trong 2-3 tiếng. Tùy theo hộp quẹt bị hư bộ phận đánh lửa, bánh xe đá hay nghẹt ga…cùng những thứ có chi tiết rất nhỏ. Vì vậy mỗi lần sửa cũng là người làm nghề trau dồi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và càng yêu nghề hơn”.
“Lúc nhỏ, cha hay nói có những dân chơi thứ thiệt ăn mặc đồ bụi bặm, chạy xe cũ kỹ nhưng những phụ kiện họ mang theo có khi đáng giá hơn cả một chiếc xe hơi. Một trong những món phụ kiện đi kèm đó là chiếc hộp quẹt Dupont. Nó được đánh giá quý tộc nhất trong các loại hộp quẹt sành điệu và cha tôi đã trở thành thợ sửa thùng quẹt quý tộc này hơn 50 năm trước”, anh Phong chia sẻ.
Anh Phong cho biết, thùng quẹt Dupont là loại hộp quẹt chỉ có giới thượng lưu mới dùng vì mỗi chiếc thùng quẹt giá cả cây vàng thời đó.
Bộ sưu tập hộp quẹt Dupont của anh Phong. Anh cho biết mỗi chiếc thùng quẹt hiện tại được anh bán với giá từ 700-800 USD.
Theo anh Phong, do giá trị thùng quẹt Dupont quá cao nên thời điểm đó chỉ độc nhất quầy sửa thùng quẹt tên Paul Sáng của cha anh hoạt động vì nhiều thợ không dám mạo hiểm.
Hiện tại ngoài sửa chữa thùng quẹt Dupont, anh Phong còn sửa các loại thùng quẹt “thứ thiệt” khác như Dunhill, Catier, Zippo…
Mỗi loại thùng quẹt có cấu tạo và đặc tính riêng, người thợ phải tỉ mỉ và cần “chẩn đoán đúng bệnh” của chúng mới sửa được.
Những loại hộp quẹt như vậy cũng có giá cả triệu bạc.
Ngoài hộp quẹt, anh Phong còn bán và sửa chữa bút máy cũ và máy ảnh thời xưa.
Chiếc la bàn có tuổi đời gần 50 năm do anh Phong sửa vẫn hoạt động tốt.
Đến nay, quầy sửa thùng quẹt quý tộc này đã tồn tại và hoạt động hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.